An ninh phi truyền thống là việc bảo đảm an toàn, không có hiểm nguy cho cá nhân con người, quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại trước các mối đe dọa có nguồn gốc phi quân sự như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khan hiếm nguồn lực, dịch bệnh lây lan nhanh, khủng hoảng tài chính, an ninh mạng, tội phạm nguy hiểm xuyên biên giới, chủ nghĩa khủng bố… Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống thường lan tỏa nhanh, ảnh hưởng rộng mang tính khu vực hoặc toàn cầu, do tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa, của sử dụng thành tựu khoa học – công nghệ.
Ở nước ta, thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn thì vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên như là những hiện tượng bức bách của đời sống xã hội. Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở Việt Nam đang có những biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với cuộc sống con người, đồng thời cũng là sự thách thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Một khi an ninh đất nước nói chung, an ninh phi truyền thống nói riêng không được bảo đảm thì sẽ không có sự bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quốc gia và chất lượng cuộc sống của con người.
Biểu hiện của an ninh phi truyền thống là: tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố; mất an ninh kinh tế, tham nhũng; mất an ninh tài chính; mất an ninh doanh nghiệp; các rủi ro thị trường và mất an ninh thương mại; cạn kiệt tài nguyên, thiên tai thường xuyên, thiên nhiên suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường không khí, biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ô zôn, biến đổi các chu trình sinh – địa, suy giảm đa dạng sinh học; dịch bệnh; mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng; bão lụt, nước biển dâng, triều cường; sạt núi, phá núi, phá rừng;mất an ninh giao thông; mất an ninh đô thị và an ninh nông thôn; mất an ninh thông tin và các hành vi tấn công mạng, tội phạm mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng; mất an ninh lương thực; mất an ninh năng lượng; mất an ninh hàng không; mất an ninh du lịch; mất an ninh biển;…
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “chủ động phòng ngừa, ứng phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống và phi truyền thống”.
Trong năm 2020 Việt Nam đã có nhiều cố gắng và quyết tâm phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống, góp phần phát triển bền vững đất nước. Dưới đây là tổng hợp tình hình an ninh phi truyền thống của Việt Nam trong năm 2020.
1- Tội phạm xuyên quốc gia: kéo giảm tội phạm; không xảy ra khủng bố, nhưng còn xảy ra nhiều vụ tội phạm xuyên quốc gia lớn.
Trang mạng countryeconomy.com đánh giá năm 2020 Việt Nam là đất nước thanh bình, không xảy ra khủng bố. Chỉ số thanh bình của Việt Nam tăng đều qua các năm. Năm 2020, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được kết quả tích cực; bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Đã đấu tranh làm giảm 2,76% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 85,69 % (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao), triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, các vụ án gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ.
Trong đó, đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ.
Toàn quốc xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật) diễn ra phức tạp…
Về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, năm 2020, đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56 %), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%). Đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, góp phần duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để trục lợi.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực: môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; công nghệ thông tin, mạng viễn thông; phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy; điều tra, xử lý tội phạm;… cũng được triển khai quyết liệt và đạt những kết quả tích cực.
Những kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đối ngoại của đất nước.
Tuy nhiên cũng giống như các nước trong khu vực ASEAN, tình hình tội phạm xuyên quốc gia hiện nay vẫn điễn biến phức tạp đối với 10 loại tội phạm xuyên quốc gia điển hình trong khu vực, bao gồm: tội phạm khủng bố, mua bán người, đưa người di cư trái phép, tội phạm ma túy, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế, cướp biển, buôn lậu gỗ và động vật hoang dã. Trong đó, một số loại tội phạm của khu vực được cảnh báo đang ở mức độ rất nghiêm trọng.
Cơ quan Công an đã khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy “đá”, heroin xuyên quốc gia từ vùng Tam giác vàng; cocain từ các nước Nam Mỹ về Việt Nam rồi đi nước khác. Sau đó, tuyến xuất từ Việt Nam – Philippines; Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc); Việt Nam – Australia và mới đây lực lượng chức năng phát hiện thêm địa bàn xuất sang là Hàn Quốc.
2-An ninh kinh tế: Việt Nam là một trong số rất ít các nước trên thế giới kinh tế tăng trưởng dương. Tuy nhiên kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh do đại dịch COVID-19.
Việt Nam là nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu trên 520 tỷ USD, gấp đôi GDP. Trong năm Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại với EU và Vương quốc Anh.
Cho dù phải thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt do đại dịch covid-19 và đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 3% trong năm 2020 và là một trong số rất ít nước trên thế giới có kinh tế tăng trưởng dương năm 2020.
Tuy nhiên đại dịch covid-19 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, năm 2020 số lượng doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,9% so với năm 2019; nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tạm ngừng kinh doanh.
An ninh tài chính.
Với quy mô thị trường tài chính Việt Nam gồm cả 3 khu vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm tương đương khoảng 366,3% GDP, tác động của các nguy cơ, rủi ro tài chính toàn cầu đối với Việt Nam là khá lớn.
Tuy nhiên, khả năng ứng phó và giảm tác động tiêu cực từ nguy cơ bất ổn tài chính được Chính phủ khẳng định bởi nền tảng kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính khá vững chắc và ổn định trong 5 năm qua. Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế với khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế dương và ở mức cao nhất thế giới và khu vực năm 2020, sức mạnh tài chính khá tốt và vị thế quốc tế không ngừng được tăng lên; là một trong số ít quốc gia giữ vững xếp hạng tín nhiệm ở mức ổn định…
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% là mức an toàn theo chuẩn quốc tế. Tính từ năm 2012 đến cuối năm 2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 1,1 triệu tỉ đồng nợ xấu.
Với cáo buộc của Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 16/12/2020 Việt Nam (cùng với Thụy Sĩ) bị xác định “thao túng tiền tệ”, khi vượt ngưỡng cả ba tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ, Chính phủ Việt Nam đã chứng minh sự minh bạch của mình trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Việt Nam cũng đã có những nỗ lực thực chất để cân bằng hơn cán cân thương mại với Hoa Kỳ, như những hợp đồng mua máy bay trị giá hàng chục tỷ USD. Việt Nam hoàn toàn không có chủ đích hay ý đồ thao túng tiền tệ, chưa bao giờ Việt Nam có chủ trương phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên năm 2020 cũng xuất hiện nhiều vấn đề an ninh tài chính mà nổi lên là tình hình nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng; tình hình tín dụng đen ở nhiều địa phương trên cả nước.
An ninh năng lượng quốc gia:
Ngày 11-02-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết khẳng định, phát triển năng lượng gắn với thực thi chính sách bảo vệ môi trường, nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt phát triển thay thế nguồn điện năng lượng tái tạo, tính tới cuối năm 2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MW. Hiện đã có 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất là 429 MW và 325 MW điện sinh khối, điện chất thải rắn gần 10 MW. Như vậy, tổng công suất điện gió và mặt trời đã là 5.482 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, đã có trên 47.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp. Như vậy, nguồn điện năng lượng tái tạo đã đóng góp đáng kể để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Hoạt động khai thác dầu khí của Petrovietnam đã được tối ưu ở mức phù hợp với điều kiện kỹ thuật; tiết giảm tối đa, duy trì chi phí vận hành… dẫn đến sản lượng khai thác dầu thô của Tập đoàn PVN đã về đích trước 25 ngày (đạt 10,62 triệu tấn vào ngày 5-12-2020). Năm 2020 sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 9,65 triệu tấn, vượt 9,25%; sản lượng khai thác dầu ở nước ngoài đạt 1,82 triệu tấn, vượt 1,31%; Tổng sản lượng dầu thô trong và ngoài nước đạt 11,47 triệu tấn, vượt 7,9%.
An ninh lương thực:
Ngày 02/12/2020, tại Quyết định 1975/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”.
Khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam 11 tháng năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỉ USD tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, vượt Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Đây là lần thứ 2 Việt Nam trở lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới.
3-An ninh xã hội: trên phạm vi cả nước đã tạo sự đồng thuận xã hội cao. Các điểm nóng xã hội giảm. Không xảy ra các vụ xung đột xã hội liên quan tới dân tộc và tôn giáo. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra những vụ việc an ninh xã hội phức tạp liên quan tới đất đai.
Qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trên phạm vi cả nước đã tạo sự đồng thuận xã hội cao. Các điểm nóng xã hội đang có xu hướng giảm mạnh. Không xảy ra các vụ xung đột xã hội liên quan tới dân tộc và tôn giáo. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra một số vụ việc phức tạp, điển hình là vụ việc ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Tây. Một số đối tượng quá khích đã bị ông Lê Đình Kình tổ chức gây rối trật tự công cộng, giết hại 3 sỹ quan Công an bằng các thủ đoạn dã man. Vụ Thủ Thiêm ở Thành phố Hồ Chí Minh chính quyền thành phố vẫn đang tiếp tục giải quyết.
4- An ninh môi trường: do sự phát triển quá nóng của công nghiệp hóa và đô thị hóa, vấn đề rác, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí đã trở thành các điểm nóng ở Hà Nội và nhiều địa phương.
Do sự phát triển nóng của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa quá nhanh, vấn đề môi trường đã trở thành vấn đề nóng ở hầu hết các địa phương cả nước.
Năm 2020, lực lượng Cảnh sát môi trường đã kiểm tra, phát hiện 19.150 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đối với 19.966 tổ chức, cá nhân; khởi tố, đề nghị khởi tố 191 vụ với 249 đối tượng; xử phạt, đề xuất xử phạt vi phạm hành chính 16.087 vụ đối với tổng số tiền 208,78 tỷ đồng.
Rác, ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành các “điểm nóng” ở các đô thị lớn, các tỉnh công nghiệp. Điển hình là các vụ việc người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội thường xuyên ngăn cản xe chở rác vào Bãi rác Nam Sơn, Hà Nội, gây ùn tắc rác thải sinh hoạt trên toàn bộ thành phố Hà Nội; vụ việc liên quan “núi rác thải” 370.000 tấn ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh,v.v…
Một số điều tra, nghiên cứu cho thấy ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam là từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45-5,64% GDP năm.
5-An ninh mạng: Việt Nam vẫn là điểm nóng về tội phạm mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng và gián điệp mạng.
Năm 2020 đã phát hiện 2.600 cổng thông tin, tên miền “.vn” bị tấn công, giảm 26% so với năm 2019. Phần lớn là các cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), tấn công thay đổi giao diện (Deface) và tấn công cài mã độc (Malware).
Hoạt động giả mạng các cổng thông tin của Nhà nước, các bộ, ngành để đánh cắp dữ liệu, lừa đảo tài sản diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan công an. Ngay cả trang website của Bộ Công an cũng bị kẻ xấu giả mạo.
Đã xuất hiện nhiều vi phạm pháp luật về buôn lậu, trốn thuế, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, gian lận hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.
Cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra hàng chục vụ đánh bạc quy mô lớn, lớn hơn nhiều so với vụ đánh bạc do các đối tượng Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu đã được Công an tỉnh Phú Thọ điều tra trước đây.
6-An ninh y tế và dịch bệnh: Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và thuộc các nhóm nước kiềm chế, phòng chống COVID-19 thành công với mô hình: chống dịch như chống giặc ngoại xâm, cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng chống dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự điều hành chỉ đạo của Chính phủ.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Lời kêu gọi và chỉ thị lãnh đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tư tưởng chỉ đạo: phòng chống dịch Covid-19 như chống giặc dưới sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.
Phương châm “3 sẵn sàng”:phòng chống dịch Covid-19 như chống giặc; chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời và khắc phục khẩn trương và có hiệu quả; “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Ngành Y tế, Quân đội, Công an đã tiên phong đi đầu cùng các ngành, các cấp và toàn dân phòng chống dịch bệnh.
Các ổ dịch COVID-19 tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương đã kịp thời được khoanh vùng và dập tắt. Việt Nam là nước có số người mắc bệnh COVID-19 và người chết vào loại thấp nhất thế giới.
Bên cạnh những dấu ấn trong công tác phòng bệnh, điều trị của ngành y tế, Việt Nam đã nhanh chóng thành công trong việc phân lập chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) từ tháng 2/2020, trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới nuôi cấy thành công virus này. Cùng với đó là việc nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm; nhiều loại sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm SARS-CoV-2…Đặc biệt, Bộ Y tế đã chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường các hoạt động nghiên cứu sản xuất vắcxin phòng bệnh, thuốc điều trị COVID-19. Có 4 nhà sản xuất vắcxin COVID-19 tại Việt Nam: Viện Vắcxin và Sinh phẩm Y tế (IVAC); Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vắcxin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắcxin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Dược NANOGEN. Các đơn vị này đã tập trung nguồn lực nghiên cứu, thử nghiệm vắcxin phòng COVID 19.Đến cuối tháng 12/2020, Công ty NANOGEN đã đi đến bước thử nghiệm vắcxin COVID-19 trên người với vắcxin Nano Covax. Đây cũng là vắcxin đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm, hứa hẹn sẽ là vắcxin phòng COVID-19 “made in Vietnam” đầu tiên đưa ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian sớm nhất…
7-An ninh giao thông: Tai nạn giao thông trên cả nước tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí. Không xảy ra các vụ tai nạn máy bay, không tặc và khủng bố hàng không. Tuy nhiên vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang là vấn đề xã hội lớn cần tập trung giải quyết.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 12 tháng qua (tính từ ngày 15.12.2019 đến 14.12.2020), toàn quốc xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.700 người, bị thương 10.804 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 3.111 vụ (giảm 17,6%), số người chết giảm 924 người (giảm 12,1%), số người bị thương giảm 2.820 người (giảm 20,7%).
Trong đó, đường bộ xảy ra 8.177 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.575 người, bị thương 4.354 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 844 vụ, giảm 883 người chết, giảm 700 người bị thương. Đường sắt xảy ra 91 vụ, làm chết 71 người, bị thương 23 người.
Đường thủy xảy ra 62 vụ, làm chết 44 người, bị thương 7 người. Hàng hải xảy ra 14 vụ, làm chết 10 người, không có người bị thương.
Về an ninh hàng không: Đã đảm bảo an ninh hàng không trên phạm vi quốc gia; tiếp tục duy trì 23 năm liên tục không xảy ra tai nạn tàu bay có thiệt hại về người, không xảy ra các vụ không tặc, khủng bố hàng không.
Trong năm 2020, tại các cảng hàng không, sân bay đã xảy ra hơn 300 vụ vi phạm ANHK, giảm 102 vụ so với năm 2019, trong đó nổi cộm là các vụ việc trộm cắp tài sản, hành lý, vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay, gây rối trật tự, đe dọa hành hung nhân viên hàng không. Các vụ việc vi phạm ANHK được xử lý kịp thời, các cảng vụ hàng không, lực lượng kiểm soát ANHK và đơn vị xảy ra vi phạm đã tổ chức điều tra, xác minh nguyên nhân ngay sau khi xảy ra các vụ việc và xử lý theo thẩm quyền, không để xảy ra mất an ninh, an toàn đối với các hoạt động của ngành hàng không.
Tổ chức Hàng không quốc tế ICAO đã khởi động năm Văn hóa An ninh trong Hội nghị chuyên đề An ninh Hàng không Toàn cầu thường niên lần thứ tư (AVSEC2020) vào ngày 18 tháng 12 năm 2020. Chủ đề chính của Hội nghị năm nay là “Cải thiện văn hóa An ninh bằng cách kết nối các Điểm”.
8- An ninh con người: An ninh con người được đảm bảo. Đã kiểm soát tốt an ninh dân số và an ninh giáo dục và tăng cường an ninh du lịch. Tuy nhiên đã bắt đầu quá trình già hóa dân số. Các vấn đề bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong học sinh sinh viên vẫn còn bức xúc ở một số địa phương, nhà trường. An ninh trật tự các địa bàn du lịch cần được tiếp tục tăng cường.
An ninh dân số:
Vào năm 2020 dân số trên Trái Đất ước tính khoảng hơn 7,8 tỉ người.Thế giới mất 200 nghìn năm lịch sử để dân số đạt tới mức 1 tỷ người; và chỉ mất 200 năm để đạt tới mức 7 tỷ người.
Dân số Việt Nam đạt 98 triệu người và đã duy trì được mức sinh thay thế, giữ được tổng tỉ suất sinh ở mức xung quanh 2 con/bà mẹ từ 2006 đến nay. Tuy nhiên Việt Nam bắt đầu vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2011 với tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 9,9%, và sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026 – 2054 khi tỉ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm từ 10 – 19,9%.
Trong giai đoạn tới 2016-2020, cả nước có tỷ lệ phát triển dân số khoảng 1%/năm, và đến năm 2020 đã đạt 98 triệu người.
Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam đã đáp ứng được 92% nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) đối với phụ nữ đã có chồng. Tốc độ gia tăng tỷ lệ giới tính khi sinh (GTKS) cũng bước đầu được khống chế. Nếu tỷ lệ GTKS năm 2015 là 112,8 bé trai/100 bé gái thì sau 5 năm, tỷ lệ này đã được khống chế ở mức 113 bé trai/100 bé gái.
Sau khi bắt đầu thời kỳ già hóa dân số vào năm 2011 với tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 9,9%, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026 – 2054 khi tỉ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm từ 10 – 19,9%. Như vậy, như nhiều chuyên gia từng cảnh báo, Việt Nam chưa giàu nhưng dân số đã bắt đầu già hóa. Và từ 2054 – 2069, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn dân số rất già, khi người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20 – 29,9%. Việt Nam cũng được xem là quốc gia có thời gian chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già” vào nhóm nhanh trên thế giới, dự báo là 20 năm, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc là 26 năm, Anh và Tây Ban Nha 45 năm…

An ninh giáo dục.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu em trai và 4 triệu em gái trực tiếp liên quan đến bạo lực học đường và con số này đang ngày một tăng cao ở tất cả những lớp học và cấp học khác nhau.
Ở nước ta theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Cũng theo một số thống kê nghiên cứu, khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì đánh nhau.
Tình hình xâm hại tình dục trẻ em với các tội danh dâm ô, hiếp dâm trẻ em vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương. Năm 2020, các Tòa án đã thụ lý 1.307 vụ với 1.383 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 1.140 vụ với 1.203 bị cáo, đạt tỷ lệ 87,2%. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận. Những số liệu này cho thấy, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn là vấn đề nhức nhối tại mọi cấp học, lớp học với mức độ gia tăng ngày càng cao và hậu quả ngày càng lớn. Đặc biệt tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em còn đang có xu hướng gia tăng. Gây bức xúc trong dư luận xã hội nhất là các trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em trong gia đình và nhà trường.
An ninh du lịch
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế. Du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% (so với năm 2019), lượng khách trong nước cũng giảm gần 50% …
Dịch Covid-19 buộc ngành du lịch phải chuyển hướng vào tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Du lịch trong nước là giải pháp duy nhất giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì hoạt động. Ngành du lịch đã hai lần phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào tháng 5-2020 (với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”) và tháng 9-2020 (với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”). Chương trình kích cầu du lịch nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Bằng tất cả những nỗ lực, đến hết tháng 11-2020, tổng số khách du lịch trong nước đạt 49 triệu lượt. Du lịch trong nước đã góp phần duy trì được hoạt động ở mức cầm chừng của ngành trong thời chống dịch.
Công ty du lịch Vietravel đã thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines
9- An ninh biển: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật biển được kiềm chế, kéo giảm. Không xảy ra cướp biển lớn. Tình hình đánh bắt cá trộm ở hải phận nước ngoài giảm cơ bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated fishing – IUU) đến năm 2025.
Theo đánh giá trên trang Foreign Affair Asia, những biện pháp phòng chống khai thác IUU cho thấy Việt Nam đang rất nỗ lực và quyết tâm ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.
Lực lượng Cảnh sát Biển đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các khu vực, vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam với Indonesia, Thái Lan, Malaysia, vừa để khẳng định chủ quyền, đồng thời tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép, giải quyết kịp thời các tranh chấp và bảo vệ ngư dân hành nghề trên biển.
Các biện pháp của Việt Nam về chống khai thác Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated fishing – IUU)IUU đã đạt được những kết quả tích cực và được EC ghi nhận. Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở vùng biển các nước, quốc đảo Thái Bình Dương đã chấm dứt. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực, như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines… đã giảm. Tuy nhiên vẫn còn một số ít tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa chấm dứt, vẫn còn tàu, thuyền bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ.
Trong năm 2020 lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 432 vụ/681 đối tượng phạm tội về ma túy, phạm tội buôn lậu (so với năm 2019 tăng 54 vụ/78 đối tượng.
Điểm mới năm 2020 là tội phạm ma túy quốc tế đã lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container đi đường biển để vận chuyển ma túy. Các đối tượng chủ hàng không trực tiếp đứng ra làm thủ tục xuất nhập khẩu mà làm hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu hàng hóa lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau, thậm chí sử dụng công ty “ma” không có trong thực tế để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy đi và đến Việt Nam.Thủ đoạn cất giấu hết sức tinh vi, khi bọn chúng giấu các túi ma túy trong container hàng sắt thép phế thải, thức ăn chăn nuôi, hạt nhựa, đưa vào khoang rỗng của trục rulo máy ép bao bì, cất giấu trong các loa thùng, đế giày dép, đá granit… Bọn chúng nhập ma túy “đá”, heroin từ vùng Tam giác vàng; cocain từ các nước Nam Mỹ về Việt Nam rồi đi nước khác. Sau đó, tuyến xuất từ Việt Nam – Philippines; Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc); Việt Nam – Australia và mới đây lực lượng chức năng phát hiện thêm địa bàn xuất sang là Hàn Quốc.
Điển hình là ngày 19/07/2020 các cơ quan pháp luật đã khám phá vụ án mua bán trái phép chất ma túy qua đường biển tại Cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh thu giữ 40kg ma túy tổng hợp được giấu trong các khối đá granite trong container. Đối tượng cầm đầu được xác định là Kim Soon Sik (sinh năm 1960, quốc tịch Hàn Quốc), tổ chức vận chuyển ma túy sang cảng Incheon, Hàn Quốc. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng đã thực hiện khám xét 11 địa điểm (trong đó có 9 điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hai điểm ở Đồng Nai) thu giữ 19 bánh heroin, 120kg ma túy các loại; bắt giữ 15 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật khác.
Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng ma túy trội dạt vào bờ biển, điển hình như từ ngày 30/11-3/12/2019, tại khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, ngư dân đã thu gom được số lượng ma túy lớn từ ngoài khơi dạt vào bờ và giao nộp cho các đơn vị chức năng đóng trên địa bàn.
Ngày 22/12/2020 các cơ quan pháp luật Hải Phòng đã phát hiện, thu giữ 665 kg ma túy giấu trong container. Số ma túy nói trên được ép thành bánh, cất giấu giữa vách sau của một container (container có hai vách sau).Container nói trên chứa hàng hoá là bột lông vũ thủy phân được vận chuyển từ Singapore về Việt Nam qua cảng Hải Phòng.
10- Thiên tai, lũ lụt, nước biển dâng: Năm 2020 thiên tai khắc nghiệt đã dẫn tới hàng loạt vụ sạt, lở núi gây chết nhiều người ở các tỉnh Miền Trung.
Năm 2020 thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai: 10 cơn bão trên biển Đông; 263 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 09 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10/2020 tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế; 82 trận động đất, trong đó có 02 trận động đất với RRTT cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/06/2020 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/07/2020 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,…
Thiên tai đã gây nhiều thiệt hại:
– Về người: 340 người chết, mất tích (275 người chết, 65 người mất tích, trong đó: bão 25; lũ 97; sạt lở đất 130; lốc sét, mưa đá 54; thiên tai khác 34) và 819 người bị thương;
– Về nhà ở: 3.276 nhà sập, 280.766 nhà bị hư hại, tốc mái; 414.451 nhà bị ngập.
– Về nông nghiệp: 171.337 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 49.658 con gia súc, 3.366.417 con gia cầm chết, cuốn trôi.
– Về thủy lợi: 550km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 115km bờ biển, sông bị sạt lở.
– Về giao thông: 881km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 3,17 triệu m3.
Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.449 tỷ đồng.
Khu vực miền Trung đã xảy ra 4 sự cố sạt lở gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm hơn trăm người thương vong. Đầu tiên là sự cố sạt lở ở công trình thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vùi lấp 17 người; vụ sạt lở này cũng đã khiến 13 người thuộc Đoàn tìm kiếm cứu nạn của Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên – Huế tử vong trong đêm 13/10/2020. Tối ngày 17/10/2020, ở thôn Tà Rùng, xã Húc cũng xảy ra sự cố sạt lở đất, vùi lấp 6 người trong một gia đình. Rạng sáng ngày 18/10/2020, sạt lở đất ở xã Húc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng đã vùi lấp 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn kinh tế – Quốc phòng 337.
Xuân Yêm – Việt Linh