10 sự kiện An ninh phi truyền thống Việt Nam năm 2021

Trong năm 2021 Việt Nam đã có nhiều cố gắng và quyết tâm phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các nguy cơ, thach thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống, góp phần phát triển bền vững đất nước. Dưới đây là tổng hợp tình hình an ninh phi truyền thống điển hình của Việt Nam trong năm 2021.

1- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về an ninh phi truyền thống:

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống” [Văn kiện Đại hội XIII, tập 1, tr.156]; “sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống”[ Văn kiện Đại hội XIII, tập 1, tr.279]. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII có nhiệm vụ “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”[Văn kiện Đại hội XIII, tập 1, tr.202];“Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu” ”[Văn kiện Đại hội XIII, tập 1, tr.155].

Theo Đề án phát triển Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) thành lập Viện An ninh phi truyền thống. Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập đầu tiên ở Việt Nam về an ninh phi truyền thống.

Cùng với mã ngành đào tạo Thạc sỹ Quản trị An ninh phi truyền thống, từ năm 2021 Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai mã ngành đào tạo cử nhân Quản trị và An ninh, trước mắt với 3 chuyên ngành: an ninh mạng, an ninh tài chính và công nghệ số.

Một số đề tài khoa học và công nghệ về an ninh phi truyền thống đã được triển khai.

2- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố cam kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam về an ninh môi trường và an ninh khí hậu.

Tối 23/09/2021 (giờ Việt Nam), nhận lời mời của Thủ tướng Ireland Michael Martin – Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về an ninh khí hậu. Tham dự Phiên họp có Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, các nguyên thủ, Thủ tướng và đại diện cấp cao các nước thành viên Hội đồng Bảo an.

Tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Bảo an và các đại biểu đều tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoà bình và an ninh quốc tế, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, tạo đột phá trong thích ứng và nâng cao khả năng tự cường của các quốc gia và cộng đồng dân cư. Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước phát triển thực hiện đúng cam kết đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm cho Quỹ Khí hậu xanh, đồng thời nhấn mạnh kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương nhằm giải quyết thách thức đan xen về khí hậu và an ninh, tận dụng tính bổ trợ lẫn nhau giữa các hoạt động thích ứng khí hậu và xây dựng hoà bình.

Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Tại Phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 

 Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tác động khốc liệt hiện hữu của biến đổi khí hậu ở khắp các châu lục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước đưa ra khuyến nghị về 3 nhóm giải pháp mà Hội đồng Bảo an nói riêng và Liên hợp quốc nói chung cần quyết liệt hành động trong thời gian tới.

Thứ nhất, Hội đồng Bảo an cần đi đầu xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động ứng phó. Để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu, Chủ tịch nước đề xuất sáng kiến thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của tình trạng nước biển dâng.

Thứ hai, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần đặt lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hoà mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo.

Thứ ba, Chủ tịch nước đề nghị cần bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế để bổ trợ, kết nối các nguồn lực để thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững, Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và các thoả thuận quốc tế lớn khác.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít carbon. Chủ tịch nước cũng đề cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan về ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực ứng phó với các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu tại Hội đồng Bảo an, các diễn đàn đa phương và các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực khác.

Ngày 1/11/2021 (giờ địa phương), tại Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Phát biểu tại COP26 trước khoảng 120 nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam bày tỏ đánh giá cao vai trò và nỗ lực của Chính phủ Anh trong việc đăng cai tổ chức hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tương lai Trái đất, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.

Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam cam kết giảm mức phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050, cắt giảm 30% khí methane vào năm 2030 so với năm 2020. Cam kết khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26
Ảnh: Trong ảnh: Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rằng Việt Nam mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, nhưng sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thủ tướng nhấn mạnh các yếu tố tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ để đạt được sự thịnh vượng kinh tế ngày nay cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau 2025.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Mặc dù do các tác động của dịch bệnh Covid -19 nhưng do sự phát triển quá nóng của công nghiệp hóa và đô thị hóa, vấn đề rác, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí đã trở thành các điểm nóng ở Hà Nội và nhiều địa phương.

Năm 2021, đã phát hiện 15.690 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 14.042 vụ với tổng số tiền phạt 240,7 tỷ đồng. 

Về thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ, Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2021, thiên tai làm 139 người chết và mất tích, 150 người bị thương; 393,9 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 130,3 nghìn ha lúa và 78,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 766 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 14,9 nghìn ngôi nhà bị ngập hư hại; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 4.876,9 tỷ đồng, giảm 87,5% so với năm trước.

Một số điều tra, nghiên cứu cho thấy ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam là từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45-5,64% GDP năm.

3- Tăng cường đảm bảo An ninh y tế và phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam

– Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.651.673 ca mắc COVID-19, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.749 ca nhiễm).

– Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.646.033 ca, trong đó có 1.245.423 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

– Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.248.240 ca

– Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.214 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

– Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Năm 2021, nước ta trải qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 kéo dài với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn chủng cũ nhiều lần và hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát hơn. Với tinh thần coi sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, với tinh thần vừa có kế thừa và vừa có đổi mới vì chưa có tiền lệ nên phải bám sát yêu cầu thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo phương châm “5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của Nhân dân”.

Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, chúng ta đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện theo cách tiếp cận toàn dân, lấy cấp xã phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho Nhân dân.

Công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn, nhất là sau khi nâng cấp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và kịp thời điều động một lực lượng lớn chưa từng có, trong một thời gian rất ngắn với khoảng hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ các lực lượng y tế, quân đội, công an từ Trung ương và các địa phương khác hỗ trợ cho các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine. Duy trì phù hợp hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh; hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.

Có thể khẳng định, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, hầu hết các vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vaccine trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu. Vì vậy, kết quả đạt được như Trung ương đã đánh giá: “Các chủ trương, chính sách, biện pháp được triển khai trong thời gian qua là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương”.

Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, độ bao phủ vaccine đạt tương đối cao, kinh nghiệm và năng lực ứng phó dịch bệnh được nâng lên, chúng ta chủ động, tự tin chuyển hướng chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128-NQ/CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.Nghị quyết 128 của Chính phủ) đã đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch áp dụng thống nhất trên toàn quốc; là một chiến lược ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ trong tình hình mới được nhiều người dân và doanh nghiệp hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.Thực tiễn đã chứng minh việc chuyển hướng này là cần thiết, đúng đắn, phù hợp, kịp thời.

Điều nổi bật là, trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người.

Trong bối cảnh vaccine khan hiếm trên toàn cầu, Đảng, Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine phòng COVID-19 vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp: Thành lập Quỹ vaccine; đẩy mạnh ngoại giao vaccine; thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước; tổ chức chiến dịch tiêm chủng miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử với tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Kết quả, Việt Nam từ nước tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối chậm trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, tốc độ tiêm trong tháng 11 đứng thứ 3 thế giới. Tính đến 27/12/2021, Việt Nam đã tiêm chủng hơn 146 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và trở thành 1 trong 63 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đã bao phủ 2 mũi tiêm chủng vaccine cho ít nhất 70% dân số. Việt Nam nằm ở vị trí 52 trong tổng số 63 quốc gia/vùng lãnh thổ đã thực hiện được mục tiêu này, nhưng tính về số liều vaccine đã được tiêm thì Việt Nam xếp thứ 8 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Pakistan, Đức. Trong số 8 nước này mới chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Việt Nam đạt được mục tiêu bao phủ 2 mũi vaccine cho 70% dân số.

Chiến dịch tiêm chủng thần tốc đang tiếp tục được đẩy mạnh.

4- An ninh xã hội: trên phạm vi cả nước đã tạo sự đồng thuận xã hội cao. Các điểm nóng xã hội giảm. Không xảy ra các vụ xung đột xã hội liên quan tới dân tộc và tôn giáo. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra những vụ việc an ninh xã hội phức tạp liên quan tới môi trường, đất đai.

Tội phạm xuyên quốc gia: kéo giảm tội phạm; không xảy ra khủng bố,  nhưng còn xảy ra nhiều vụ tội phạm xuyên quốc gia lớn. Qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trên phạm vi cả nước đã tạo sự đồng thuận xã hội cao. Các điểm nóng xã hội đang có xu hướng giảm mạnh. Không xảy ra các vụ xung đột xã hội liên quan tới dân tộc và tôn giáo. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra một số vụ việc phức tạp, điển hình là vụ việc liên quan tới các bãi rác Nam Sơn ở Hà Nội và Đa Phước, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trang mạng countryeconomy.com đánh giá năm 2021 Việt Nam là đất nước thanh bình, không xảy ra khủng bố. Chỉ số thanh bình của Việt Nam tăng đều qua các năm.

Năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được kết quả tích cực; bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Trong năm, cả nước đã xảy ra 41.728 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 5.332 vụ so với cùng kỳ năm 2020; Hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Trong đó, tội phạm giết người (-7,65%), giết người, cướp tài sản (-17,24%), cố ý gây thương tích (-15,52%), hiếp dâm (-4,04%), hiếp dâm trẻ em (-0,21%), trộm cắp tài sản (-13,72%), cướp tài sản (-20,67%), cướp giật tài sản (-15,44 %), cưỡng đoạt tài sản (-2,23%).

Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm đạt 90,12% đảm bảo đúng quy định pháp luật và tiến độ đề ra; đã điều tra, khám phá 36.040 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,37%, trong đó triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm liên quan đến liên quan đến hoạt động tín dụng đen, đánh bạc; công tác truy nã tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật đã vận động đầu thú 13 đối tượng có lệnh truy nã quốc tế và 11 đối tượng theo yêu cầu của cơ quan chức năng nước ngoài.

Tính đến hết 30/11/2021, toàn quốc đã phát hiện 25.175 vụ, bắt giữ 37.056 đối tượng, thu giữ: 596kg heroin, 2,6 tấn, 2,4 triệu viên ma túy tổng hợp, gần 1 tấn cần sa, 67 khẩu súng quân dụng, 07 lựu đạn hàng trăm viên đạt cùng nhiều phương tiện, tài sản có liên quan.Hiện số lượng người nghiện ma túy ở nước ta còn cao, cả nước có 246.648 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Đây là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy rất lớn.

Năm 2021, toàn quốc đã khởi tố 3.871 vụ (tăng 14,7%) với hơn 5.000 bị can (tăng 25.9%) tội phạm tham nhũng. Nhiều địa phương phát hiện, thụ lý các vụ án lớn như: Khánh Hòa, Phú Yên, Sơn La, Bắc Giang… xác định khâu đột phá, đánh trúng, điều tra làm rõ nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trong những lĩnh vực nhạy cảm, dư luận bức xúc lâu nay, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, tạo sự lan tỏa với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, khẳng định sự chủ động trong công tác nắm và kiểm soát tình hình.

Ảnh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng, tháng 11/2021.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực: môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; công nghệ thông tin, mạng viễn thông; phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy; điều tra, xử lý tội phạm;… cũng được triển khai quyết liệt và đạt những kết quả tích cực.

Những kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đối ngoại của đất nước.

5- An ninh kinh tế: kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương. Tuy nhiên kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh do đại dịch COVID-19.

An ninh tài chính: Việt Nam kiểm soát tốt tài chính, tiền tệ. Chính phủ Mỹ đánh giá Việt Nam tiếp tục đáp ứng các tiêu chí để xác định không thao túng tiền tệ.

Đến nay, nền kinh tế đang dần vượt qua thời điểm khó khăn và bước vào giai đoạn phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.

Thu ngân sách Nhà nước cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng và bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lập kỷ lục mới, đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế và là quốc gia xuất siêu liên tục 6 năm. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng 2,85%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục 48,6 tỷ USD.

Tính chung năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm trước. Nếu tính cả 2.524,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 43,5 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là 4.136 nghìn tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 43,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm trước. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%, trong đó có 14,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 20,7%. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịchCovid-19.

Trong năm 2021, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục phục hồi, vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Trong đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-12-2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dù gặp cú sốc toàn cầu bởi đại dịch nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng để các nhà đầu tư ngoại tìm đến đầu tư. Tập đoàn LEGO đầu tư nhà máy trung hòa cacbon tại tỉnh Bình Dương, chạy bằng năng lượng mặt trời, tổng vốn 1 tỉ USD. Nhiều dự án FDI lớn khác cũng được các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào, bên cạnh đó, vốn đầu tư gián tiếp cũng vào mạnh. Như thương vụ Sumitomo Mitsui mua 49% cổ phần FE Credit với giá 1,4 tỉ USD.

Những kết quả đạt được trong năm 2021 tạo nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới, cả nước tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Trong điều kiện kinh tế trong nước năm 2021 đối mặt với những khó khăn chưa từng có do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 lên đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã kịp thời đưa ra các quyết sách hỗ trợ nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với sứ mệnh điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã chỉ đạo toàn ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, duy trì vốn cho sản xuất, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Thị trường chứng khoán bùng nổ kỷ lục của hơn 20 năm qua dẫn đến nghẽn sàn HoSE. Các Công ty FPT và Sovico tiên phong giải quyết. Hệ thống mới của FPT đi vào hoạt động giải quyết được nghẽn lệnh, thanh khoản trung bình từ 15.000 tỉ đồng/phiên tăng lên kỷ lục 56.000 tỉ đồng/phiên, VN-Index lập kỷ lục lịch sử và vượt 1.500 điểm.

Ngày 3/12/2021, Bộ Tài chính Mỹ công bố ‘báo cáo về chính sách hối đoái và kinh tế vĩ mô của các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ’, trong đó đánh giá Việt Nam tiếp tục đáp ứng các tiêu chí để xác định không thao túng tiền tệ.

Mỹ công bố báo cáo, tiếp tục đánh giá Việt Nam không thao túng tiền tệ - Ảnh 1.
Bộ Tài chính Mỹ ở thủ đô Washington D.C – Ảnh: REUTERS

Báo cáo được công bố trên trang chủ của Bộ Tài chính Mỹ. Báo cáo đánh giá các chính sách của các đối tác thương mại lớn, chiếm hơn 80% kim ngạch hàng hóa thương mại và dịch vụ của Mỹ, trong 4 quý tính đến tháng 6-2021.

Theo đó, căn cứ Đạo luật Cạnh tranh và thương mại Omnibus năm 1988, báo cáo kết luận rằng không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tỉ giá hối đoái giữa đồng nội tệ với đồng USD của Mỹ nhằm mục đích ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc nhằm giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trong hoạt động thương mại quốc tế.

Trong đó, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan ( Trung Quốc) đáp ứng cả 3 tiêu chí về thặng dư thương mại, thặng dư tài khoản vãng lai và can thiệp tỉ giá hối đoái căn cứ Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015.

Trước đó, trong báo cáo tương tự công bố tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ, theo đó xác định trong giai đoạn đánh giá năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho thấy Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại Omnibus năm 1988.

Tuy nhiên năm 2021 cũng xuất hiện nhiều vấn đề an ninh tài chính mà nổi lên là tình hình nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng; tình hình  tín dụng đen ở nhiều địa phương trên cả nước.

6- Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đảm bảo An ninh năng lượng quốc gia:

Đảm bảo an ninh năng lượng để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết 138/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021”. Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: Có phương án bảo đảm an ninh năng lượng, theo dõi, dự báo cung cầu, có các biện pháp bình ổn và giảm thiểu tác động của biến động giá năng lượng. Rà soát, thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc trong các dự án năng lượng; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn và điều hành giá xăng dầu hợp lý”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt với số tiền gần 17.000 tỷ đồng cho người dân, doanh nghiệp và nhiều đối tượng.

Khai thác dầu khí hoàn thành chỉ tiêu 7,99 triệu tấn dầu của kế hoạch sản lượng khai thác trong nước năm 2021, về đích trước thời hạn 42 ngày.

Khai thác dầu khí đã đạt sản lượng tối đa trong điều kiện an toàn kỹ thuật cho phép, tận dụng cơ hội thị trường trong giai đoạn giá dầu tăng, đóng góp cao nhất cho ngân sách Nhà nước, với 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020.

EVN xây nhà máy điện gần 2 tỷ USD: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 (Quảng Bình) được thi công xây dựng từ hôm nay, dự kiến hoàn thành, vận hành vào năm 2025. Đây là dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch 1, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây với 2 tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.200 MW. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 41.130 tỷ đồng.

Đây là dự án nguồn điện đầu tiên của EVN được thu xếp 100% vốn vay từ ngân hàng trong nước và không có bảo lãnh của Chính phủ. Mỗi năm nhà máy này dự kiến góp 1.200 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh Quảng Bình; tạo điều kiện cho địa phương phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, và việc làm cho lao động địa phương.

Ngày 24/10/2021, tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra lễ khởi động Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. Đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, có công suất lên tới 1.500MW, kinh phí đầu tư gần 48.000 tỷ đồng. Dự án trọng điểm này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động toàn diện của phía Bắc.

Nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 – 27/11/2021), ngày 25/11/2021, tại Giàn Khai thác Trung tâm, mỏ Sư Tử Trắng đã diễn ra lễ gắn biển Chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Ngành Dầu khí Việt Nam cho công trình “Dự án khai thác khí mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A”.

Gắn biển công trình cho Giàn Khai thác trung tâm mỏ Sư Tư Trắng

7- An ninh lương thực: Quốc hội quyết định Giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030.

Ngày 13/11/2021 Quốc hội thông qua Nghị quyết Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025, quyết định giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030

https://img.nhandan.com.vn/Files/Images/2021/11/13/fb471a9debdd3f5-1636774415537.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 đặt chỉ tiêu giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, đồng thời cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất lúa và có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết.

Theo đó, Quy hoạch đất trồng lúa đến năm 2030 được tính toán trên cở sở bảo đảm nhu cầu lương thực quốc gia trong thời kỳ quy hoạch, bám sát các định hướng phát triển kinh tế các vùng trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, phù hợp với tiềm năng đất đai từng vùng, địa phương trong phát triển đất trồng lúa.

Nghị quyết gồm 5 Điều, đặt mục tiêu phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 – 43%.

Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bên các định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2050, bố trí định hướng không gian sử dụng đất cụ thể theo từng vùng lãnh thổ, Nghị quyết cũng đặt ra các chỉ tiêu cụ thể kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025, trong đó tổng diện tích đất nông nghiệp đến năm 2025 là 27,86 triệu ha, gồm 3,73 triệu ha đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ 5,17 triệu ha, đất rừng đặc dụng 2,37 triệu ha, đất rừng sản xuất 8 triệu ha; đất phi nông nghiệp 4,4 triệu ha; đất khu kinh tế 1,64 triệu ha; đất đô thị 2,56 triệu ha.

Đến năm 2030, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia đặt mục tiêu quy hoạch 27,73 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó bao gồm 3,56 triệu ha dành cho đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ 5,22 triệu ha, đất rừng đặc dụng 2,45 triệu ha, đất rừng sản xuất 8,16 triệu ha; đất phi nông nghiệp 4,89 triệu ha; đất khu kinh tế 1,64 triệu ha; đất đô thị 2,95 triệu ha.

Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể thực hiện các chỉ tiêu trên, trong đó tập trung hoàn thiện chính sách, thể chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; đẩy nhanh chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất; bảo đảm nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; tập trung ứng phó với biển đổi khí hậu, phục hồi quỹ đất bị suy thoái…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 5,2 triệu tấn, với kim ngạch hơn 2,7 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 3,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc.

8- An ninh mạng: Việt Nam vẫn là điểm nóng về tội phạm mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng và gián điệp mạng.

Năm 2021 là năm có nhiều cuộc tấn công mạng lớn và hàng loạt vụ rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng Việt xảy ra, điển hình phải kể đến là việc 17GB dữ liệu trong 5 tập hợp file bị tài khoản Ox1337xO đăng tải lên diễn dàn RaidForum vào chiều ngày 13/5/2021, các dữ liệu này là các thông tin cá nhân của 9.667 người dùng Việt.

http://tailieu.antoanthongtin.vn/Files/files/site-2/images/20211119/bkav.jpg
Mã nguồn của Bkav bị rao bán công khai trên Internet

Ngày 04/8/2021 một tài khoản có tên @lovebkav@protonmail.com@ đã đăng bán công khai thông tin về mã nguồn được cho là của phần mềm BKAV. Sau đó, ngày 08/8/2021, một tài khoản mới khác có tên chunxong tiếp tục tung lên những tin nhắn trên nền tảng chat nội bộ của Bkav để khẳng định mình sở hữu những dữ liệu mới và rao bán gói dữ liệu của Bkav với giá 290.000 USD, tương đương 6.6 tỷ đồng. Vào trung tuần tháng 8/2021, cũng trên diễn đàn Raidforums, tài khoản có tên xiaolin1983 đã đăng bán dữ liệu thông tin cá nhân, thậm chí là tên của cha mẹ và công việc của hơn 300.000 sinh viên được cho là của 10 trường Đại học tại Việt Nam.

Nhiều vụ tấn công mạng đã xảy ra, trong đó diển hình là vụ tấn công báo điện từ VOV.

Ngày 05/10/2021, chương trình diễn tập về ứng cứu sự cố an toàn mạng khu vực ASEAN (ACID) 2021 được tổ chức với chủ đề “Ứng phó tấn công chuỗi cung ứng nhằm vào các tổ chức doanh nghiệp”. Chương trình diễn tập kỹ thuật chuyên sâu năm nay do Singapore chủ trì. Tại Việt Nam, chương trình diễn tập do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chủ trì ở điểm cầu Hà Nội cùng với 181 điểm cầu khác trên toàn quốc.

Lần diễn tập quốc tế này nhằm mục đích xác nhận các đầu mối liên lạc của các CERT và các đối tác đối thoại, cung cấp cơ hội cho các đội tương tác với nhau, thực hành và tinh chỉnh các quy trình ứng phó đối với các sự cố tấn công xuyên biên giới.

Tối ngày 12/10/2021, tại Hà Nội diễn ra  Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2021 và livestream trên toàn thế giới. “Thế giới số phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng” là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong bài phát biểu tại Hội nghị Sự kiện có sự tham gia của các đại biểu cấp cao tới từ 158 quốc gia, 32 bộ trưởng, 8 thứ trưởng và 90 diễn giả.

http://tailieu.antoanthongtin.vn/Files/files/site-2/images/20211119/itu2021.JPG
Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khai mạc sự kiện

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tổ chức doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đồng hành cùng chính phủ các nước vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi phát triển kinh tế. Theo Thủ tướng: thế giới số phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng.

Tháng 6/2021, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã công bố Báo cáo xếp hạng chỉ số an toàn, an ninh mạng (ATANM) toàn cầu (GCI) năm 2020. Trong đó, Việt Nam đã tăng 25 bậc so với năm 2018, vươn lên vị trí thứ 25 trong tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực ASEAN.

Theo đánh giá, Việt Nam đạt tổng điểm 94,59/100, với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột: Pháp lý, Kỹ thuật, Tổ chức, Phát triển năng lực và Hợp tác. Đáng chú ý, Việt Nam đạt điểm tuyệt đối (20/20) ở trụ cột Pháp lý và Hợp tác.

Biểu đồ kết quả đạt được của Việt Nam 2020 theo 5 trụ cột của GCI

Đây là nỗ lực lớn của Việt Nam trong một chặng đường dài với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề đảm bảo an toàn an ninh mạng ; nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp; vai trò Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để Việt Nam có một hành lang pháp lý về an toàn an ninh mạng cơ bản đầy đủ; sự phát triển của các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng Việt Nam, vai trò tích cực của các doanh nghiệp viễn thông, Internet, công nghệ thông tin.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.

Đặc biệt, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lần đầu tiên được đưa vào hoạt động từ ngày 1/7/2021, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số. Cũng trong năm 2021, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt trên 50%; chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025 được triển khai; kết nối trực tuyến từ Chính phủ đến gần 100% xã, phường, thị trấn tại các tỉnh, thành phố.

Dịch COVID-19 được đánh giá là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam. Người Việt dùng thương mại điện tử tăng vọt, thúc đẩy chuyển đổi số, phương thức kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành thông tin và truyền thông đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, Bộ Công an đã hoàn thành và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào hoạt động từ ngày 1/7/2021, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.

10 su kien noi bat cua Viet Nam nam 2021 do TTXVN binh chon hinh anh 10
Lấy mẫu vân tay để làm căn cước công dân gắn chip điện tử. (Nguồn:TTXVN)

Cùng với việc hoàn thành mục tiêu cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, lần đầu tiên thông tin cơ bản về công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa và đưa vào hệ thống liên thông phục vụ quản lý nhà nước, cũng như giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo hướng hiện đại, tiện ích và tiết kiệm.

Hệ thống này đang tiếp tục được kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia khác.

9- An ninh biển: Chính phủ quyết tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated fishing – IUU).

Sáng ngày 7/09/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định – illegal, unreported and unregulated fishing – IUU ). Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 28 tỉnh, thành phố ven biển, 136 quận, huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn.

https://thanhtra.com.vn/data/images/0/2021/09/07/congdinh/unnamed-2.jpg?dpi=150&quality=100&w=630&mode=crop&anchor=topcenter&scale=both

Ngành thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với sản lượng khoảng 9 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 8,5 đến 9 tỷ USD mỗi năm. Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 14 đến 16 tỷ USD. Sự hiện diện và hoạt động của ngư dân trên các vùng biển đã giải quyết việc làm, sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân và 4 triệu người liên quan; góp phần phát triển ngành thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần quan trọng vào bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, ngành khai thác, đánh bắt hải sản còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn tới việc năm 2017 Ủy ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam cảnh cáo thẻ vàng. Để gỡ “thẻ vàng” và không để bị “thẻ đỏ”, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt; Ban Chỉ đạo, các Ban, Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển trong thời gian qua đã rất tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Phía EC đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 02 lần vào các năm 2017, 2019; ghi nhận những nỗ lực tích cực của phía Việt Nam.

Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, chúng ta còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu; không những chưa gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị nâng lên “thẻ đỏ”. Tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài – đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. Các tỉnh có tàu cá vi phạm đã được nêu rõ trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng nêu rõ 10 tỉnh phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm.

Ngư dân chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Luật Thủy sản, mới đạt 27.628/30.609 tàu cá (90,26%); hơn nữa, còn tình trạng lắp đặt rồi thì lại ngắt kết nối khi đánh bắt. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm; có địa phương thì xử phạt, có địa phương lại chỉ tuyên truyền, nhắc nhở. Công tác chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản chưa bảo đảm độ tin cậy cao…

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trên biển.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất rõ ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp. Tăng cường công tác nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam, phối hợp với nước sở tại thu thập thông tin, hồ sơ bằng chứng tàu cá vi phạm để kịp thời trao đổi với cơ quan chức năng trong nước củng cố hồ sơ, bằng chứng tàu cá vi phạm, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.

Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu trong năm 2021, khởi tố hình sự một số vụ việc vi phạm để răn đe, làm gương trên cơ sở quy định pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đề xuất hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, nâng cao tính răn đe để người dân có ý thức hơn. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức triển khai đầu tư, đẩy mạnh số hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, quản lý, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình tàu cá, hỗ trợ ngư dân. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các cấp, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy chế làm việc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên, cân đối, bố trí hợp lý nguồn vốn cho phát triển hạ tầng nghề cá, nhất là bến cảng, khu neo đậu cho ngư dân khi bão gió, thiên tai; đầu tư hạ tầng số để quản lý thật tốt; thực hiện các nhiệm vụ liên quan đề án phòng, chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng”…

Bộ Giao thông vận tải quản lý, kiểm soát việc di chuyển của công dân và tàu cá theo chức năng, nhiệm vụ. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình đào tạo nghề, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân; hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp quy định của Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Theo đánh giá trên trang Foreign Affair Asia, những biện pháp phòng chống khai thác IUU cho thấy Việt Nam đang rất nỗ lực và quyết tâm ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.

10- An ninh giao thông: Tai nạn giao thông trên cả nước tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí. Không xảy ra các vụ tai nạn máy bay, không tặc và khủng bố hàng không. Tuy nhiên vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang là vấn đề xã hội lớn cần tập trung giải quyết.

Năm 2021 các dự  án hạ tầng chiến lược về giao thông được thúc đẩy. Tính tới cuối tháng 12/2021, cả nước đang triển khai 20 dự án trọng điểm ngành giao thông, gồm: (i) 4 dự án đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư (dự án thành phân cao tốc Bắc-Nam phía đông, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo; tuyến Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; Luồng sông Hậu giai đoạn 2; Nhà ga T3 – Cảng HKQT Tân Sơn Nhất); (ii) 13 dự án đang triển khai thực hiện gồm: 10 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía đông, Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cao tốc Bến Lức – Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; (iii) 3 dự án đang hoàn tất thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Đề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn tất thủ tục triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế  Long Thành giai đoạn 1.

Đường sắt trên cao tại Hà Nội đã triển khai vận hành.

Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 11.454 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 7.370 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.084 vụ va chạm giao thông, làm 5.739 người chết, 3.889 người bị thương và 4.109 người bị thương nhẹ.

So với năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 23,6% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 14,5%; số vụ va chạm giao thông giảm 35,9%); số người chết giảm 16,4%; số người bị thương giảm 15% và số người bị thương nhẹ giảm 37,6%.

Năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 23,6% -0

Bình quân 1 ngày trong năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, gồm 20 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 11 vụ va chạm giao thông, làm 16 người chết, 11 người bị thương và 11 người bị thương nhẹ.

Điển hình là vụ xe khách chở người đi lễ đầu năm va chạm giao thông khiến 2 người tử vong và 20 người thương vong vào 5h ngày 16/3/2021. Xe khách mang biển kiếm soát 36B 03.412 lưu thông trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc – Nam, khi đến km447+600 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã va chạm với xe đầu kéo mang BKS: 37V-004.7 kéo theo xe 37R-000.24 đang đỗ bên phải đường theo chiều Bắc – Nam.

Về an ninh hàng không: Đã đảm bảo an ninh hàng không trên phạm vi quốc gia; tiếp tục duy trì 24 năm liên tục không xảy ra tai nạn tàu bay có thiệt hại về người, không xảy ra các vụ không tặc, khủng bố hàng không.

Tuy nhiên đã xảy ra vụ tối 27/11/2021, hai chiếc máy bay Airbus của Hãng Vietjet đã va chạm nhau tại sân bay Nội Bài khiến một chiếc bị gãy đầu mút cánh.

Hai máy bay va nhau gãy đầu mút cánh tại sân bay Nội Bài - Ảnh 1.
Phần mút cánh của 2 máy bay Airbus A321 va nhau tại sân bay Nội Bài vào tối 27-11 – Nguồn: Facebook Diễn đàn hàng không

Vụ va chạm xảy ra khi một máy bay Airbus A321 thực hiện chuyến bay của Vietjet từ Đà Lạt đến Hà Nội lăn vào sân đỗ sau khi hạ cánh.

Hai máy bay va nhau gãy đầu mút cánh tại sân bay Nội Bài - Ảnh 2.
Đầu mút cánh máy bay bị gãy sau va chạm – Nguồn: Facebook Diễn đàn hàng không

Trong quá trình tổ lái tự lăn chiếc máy bay này về sân đỗ, đầu mút cánh của chiếc máy bay va vào đầu mút cánh của một chiếc Airbus cũng của Vietjet đang đỗ khiến một máy bay bị gãy đầu mút cánh.

Vụ va chạm không xảy ra thương vong. Vụ va chạm không gây ảnh hưởng về người. Tất cả 120 hành khách và 7 thành viên tổ bay trên chuyến bay từ Đà Lạt đến Hà Nội đều an toàn. 

Trong năm 2021 mặc dù đã hạn chế nhiều chuyến bay nội địa, quốc tế nhưng các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra nhiều vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không, điển hình là vụ đường dây tội phạm vận chuyển ma túy từ Hà Lan về Hà Nội, Việt Nam bằng đường hàng không qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và hàng được giao tại nhiều địa phương trong cả nước. Đã phát hiện 13 kiện hàng từ Hà Lan gửi về Hà Nội, Hải Dương, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình điều tra, phá án, từ ngày 9 đến 27/04/2021, lực lượng chức năng đã tập trung thu giữ 127,5 kg ma túy tổng hợp (MDMA) và Ketamine, bắt và tạm giữ 16 đối tượng, triệt phá 8 đường dây vận chuyển ma túy ở Hà Nội, Hải Dương, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.

.

Phá đường dây ma túy khủng từ Hà Lan về Việt Nam qua đường hàng không - Ảnh 2.
Ma túy được ngụy trang trong các sản phẩm đóng hộp

                                                                    Xuân Yêm – Việt Linh