- Khái niệm
– Khái niệm về an ninh y tế
An ninh y tế được định nghĩa là việc bảo vệ sức khỏe con người và động vật khỏi các bệnh truyền nhiễm hay các nguy cơ sức khỏe cộng đồng, sự cố khẩn cấp khác.
An ninh y tế – một bộ phận cấu thành quan trọng của an ninh phi truyền thống, một vấn đề toàn cầu được hầu hết các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan đặc biệt quan tâm, nhất là đối với những loại dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện và lây lan nhanh chóng, trên diện rộng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người, sự an toàn của hệ thống y tế quốc gia và quốc tế. Có thể hiểu, An ninh y tế là trạng thái an toàn, ổn định của hệ thống y tế đảm bảo đời sống, sức khỏe con người.
Đảm bảo an ninh y tế là một trong những vấn đề trọng tâm trong bảo đảm kinh tế – xã hội của các quốc gia, đặc biệt các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Theo GS.TS Lê Ngọc Thành an ninh y tế bao gồm các vấn đề chủ yếu như sau:
– Nguy cơ, thách thức, mối đe doạ đến đời sống, sức khỏe con người do dịch bệnh qui mô lớn ( COVID-19, SARS, AIDS, cúm gia cầm…….).
– Nguy cơ, thách thức, mối đe doạ đến đời sống, sức khỏe con người do suy thoái môi trường, thảm hoạ thiên tai, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nước…..
– Nguy cơ, thách thức, mối đe doạ đến đời sống, sức khỏe con người của tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức (buôn lậu ma tuý, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm kinh tế, thất nghiệp….)…
– Nguy cơ, thách thức, mối đe doạ đến sức khỏe, đời sống con người liên quan đến dân số như mất cân bằng giới tính, già hóa dân số, di cư bất hợp pháp,…
– An ninh, an toàn của các cơ sở y tế, khám chữa bệnh; tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Như vậy, khái niệm an ninh y tế có nội hàm rất rộng bao gồm những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống, sức khỏe của con người, động vật, thực vật, trong đó có cả các hoạt động của tội phạm; đồng thời, an ninh y tế còn là vấn đề an ninh, an toàn hoạt động của các cơ sở y tế, hạ tầng kỹ thuật y tế.
– Khái niệm dịch bệnh truyền nhiễm
Dịch bệnh, trong đó chủ yếu là dịch bệnh truyền nhiễm là một nội dung quan trọng của an ninh y tế. Nó tác động trực tiếp cả bề rộng và chiều sâu đến tình trạng an ninh y tế xã hội do ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người; an toàn cho cây trồng, vật nuôi và gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, an ninh, an toàn xã hội.
Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.
Dịch là sự xuất hiện của bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định, ở một khu vực nhất định. Hiện nay, khái niệm về dịch đã được mở rộng gồm dịch không truyền nhiễm, các bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh mới xuất hiện chưa rõ nguyên nhân…
– Phân loại các bệnh truyền nhiễm
+ Nhóm A: Gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ nguyên nhân gây bệnh như các bệnh như SARS, bại liệt, cúm A/H5N1, bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa, sốt xuất huyết do virus Ebola, bệnh sốt sàng, bệnh tả, bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ nguyên nhân.
+ Nhóm B: Gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và có thể gây tử vong như bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bệnh bạch hầu, bệnh cúm, bệnh dại, bệnh ho gà, bệnh lao phổi, bệnh do liên cầu lợn ở người, bệnh lỵ, sốt xuất huyết, bệnh sốt rét, bệnh sởi, bệnh chân – tay – miệng, bệnh than, bệnh thủy đậu, bệnh thương hàn, bệnh uốn ván, bệnh viêm gan virus, bệnh viêm màng não do mô cầu…
+ Nhóm C: Gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh như bệnh giang mai, các bệnh do giun, bệnh mắt hột, bệnh phong, bệnh do virus Herpes, bệnh sán dây, bệnh sán la gan, bệnh sán lá phổi…. và các bệnh truyền nhiễm khác.
2. An ninh y tế và bệnh truyền nhiễm – mối uy hiếp an ninh, trật tự an toàn xã hội
– Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra bệnh truyền nhiễm có quan hệ mật thiết với phương thức sản xuất, sinh hoạt của con người. Trong giai đoạn lịch sử lâu dài săn bắn và hái lượm, do số người còn ít, các bộ lạc gần như không có sự qua lại với nhau nên không có bệnh truyền nhiễm. Khi nhân loại bước vào giai đoạn văn minh nông nghiệp, mọi người nuôi gia súc và canh tác nông nghiệp, do mật độ người tăng lên, sự tiếp xúc với động vật nhiều lên, trong xã hội loài người bắt đầu xuất hiện bệnh truyền nhiễm[1]. Sự phát triển thành thị hóa và công nghiệp hóa làm cho bệnh truyền nhiễm ngày càng tăng. Cho đến khi y học phương Tây bắt đầu nghiên cứu tìm ra được cách chế vacine, nhân loại bắt đầu có được một số phương pháp hiệu quả để đối phó với bệnh truyền nhiễm nhưng vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được vấn đề về bệnh truyền nhiễm.
Bệnh truyền nhiễm luôn là một trong những yếu tố uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của nhân loại, uy hiếp sự ổn định của xã hội, thậm chí, ở mức nào đó có thể quyết định sự sống còn của một dân tộc. Một trận dịch bệnh ở Hi Lạp cổ vào năm 430 tr.CN đã cướp đi sinh mạng quân và dân một thành bang, khiến cho năng lực tác chiến của đế chế này giảm sút, cuối cùng mất cơ hội xưng bá trong khu vực. Từ năm 165 đến năm 180 đã xảy ra nạn dịch hạch ở Đế quốc La Mã cổ làm 1/3 dân số bị chết; đến năm 211-266 một đợt dịch bệnh mới xuất hiện làm cho Đế quốc La Mã cổ bị tiêu vong. Thế kỷ XIV, thực dân châu Âu đưa bệnh truyền nhiễm sang Mỹ, làm cho 90% thổ dân châu Mỹ bị chết, làm phát sinh mua bán nô lệ da đen với qui mô lớn…
Tuy vậy, nghiên cứu về lịch sử phòng chống dịch bệnh cho thấy vấn đề an ninh y tế, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm thường bị đánh giá thấp, thậm chí không được coi là vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Điều đó xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu như: Về phương diện kỹ thuật, trình độ y học lúc đó không thể đề phòng, kiểm dịch và chữa trị hiệu quả; Về mặt kinh tế, nhà nước không đủ tài nguyên để làm việc này; Về phương diện chính trị, do lấy việc thống trị có hiệu quả làm mục tiêu chủ yếu, địa vị kẻ thống trị không vì dịch bệnh mà lung lay.
Cùng với sự phát triển kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật được nâng cao, đặc biệt là với việc nghiên cứu thành công vacine đậu mùa, từ thế kỷ XVIII một số nước châu Âu bắt đầu có điều kiện để tiến hành công tác dự phòng đối với một số bệnh truyền nhiễm và đã giành được một số kết quả. Và chính sách “phòng bệnh hơn chữa bệnh” được lan rộng trong việc đối phó với dịch bệnh.
Trước sự phát triển phức tạp của các loại dịch bệnh, trong một thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ, sự tác động đa chiều và ảnh hưởng sâu sắc của an ninh y tế và dịch bệnh, vấn đề an ninh y tế và bệnh truyền nhiễm từng bước được coi là vấn đề an ninh nghiêm trọng.
Một là, nhiều quốc gia bắt đầu cho rằng bên cạnh những uy hiếp an ninh quốc gia truyền thống thì nhiều vấn đề phức tạp vốn đã tồn tại từ trước nhưng nay có tác động đến an ninh và phát triển xã hội, trong đó có vấn đề dịch bệnh truyền nhiễm và an ninh y tế đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu.
Hai là, khi một số dịch bệnh nguy hiểm, gây hậu quả lớn, có sức lan truyền nhanh chóng như bệnh AIDS, SARS, Ebola, Covid… xuất hiện và nhanh chóng lan tràn, phát triển đến mức hết sức nghiêm trọng làm cho nhiều người chết và tổn thất rất lớn về tài sản, đặc biệt là ở những nước nghèo, các nước đang phát triển, đòi hỏi xã hội quốc tế phải xem xét nghiêm túc và hành động khẩn cấp.
Ba là, cùng với sự phát triển nhanh chóng của toàn cầu hóa, dịch bệnh đã lan tràn ngày càng rộng trên phạm vi toàn cầu, các nước phát triển phương Tây dù chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân cũng buộc phải tăng cường công tác viện trợ phòng chống dịch bệnh cho các nước phát triển.
Khi một số dịch bệnh bùng phát, trở thành uy hiếp nghiêm trọng bất ngờ, số người nhiễm rất lớn và tỷ lệ tử vong cao, tạo tâm lý lo lắng trong nhân dân làm chấn động cuộc sống xã hội, khiến toàn xã hội và chính phủ các nước liên quan có lúc trở tay không kịp, hoạt động kinh tế thế giới và hoạt động đối ngoại đều bị ảnh hưởng lớn. Các dịch bệnh gây nên chấn động lớn như vậy không hoàn toàn do khả năng sát thương của bệnh này đáng sợ mà do môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa hiện đại, con người không đề phòng việc gặp phải sự uy hiếp theo cách cổ điển (virus là loại mới, phi truyền thống nhưng cách truyền nhiễm thì vẫn theo truyền thống cũ) dẫn đến những mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh và phát triển xã hội.
3. An ninh y tế và dịch bệnh đã trở thành nguy cơ an ninh phi truyền thống và gián tiếp cấu thành an ninh truyền thống
– Yếu tố kinh tế. Những khủng hoảng về y tế và lan tràn dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và toàn cầu. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nếu tỷ lệ nhiễm AIDS trong người lớn ở một nước đạt mức 10% thì tỷ lệ tăng trưởng thu nhập quốc dân ở nước đó giảm đi 1/3; tỷ lệ lây nhiễm nếu đạt 20% thì tổng sản lượng quốc dân của một quốc gia sẽ giảm 1,0%. Nếu gia đình có một người mắc bệnh truyền nhiễm (HIV/AIDS) thì thu nhập của gia đình đó giảm bình quân từ 40%-60%, đồng thời chi phí điều trị cho gia đình đó bình quân tăng thêm 400%. Từ dịch bệnh đã dẫn đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng, nhất là ở những khu vực nghèo khó, trình độ phát triển thấp như châu Phi, Ấn Độ, Nam Á… Khi đại dịch Covid 19 bùng phát đến nay, nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức nghiêm trọng; đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất bị đình đốn, ách tắc; phần lớn các quốc gia trên thế giới đều sụt giảm tăng trưởng GDP, thậm chí nhiều quốc gia mức tăng trưởng âm, nhiều quốc gia khác thực sự đã và đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
– Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vấn đề chính trị, xã hội. Khi xuất hiện dịch bệnh luôn xuất hiện sự khủng hoảng về chính trị, xã hội. Những vấn đề về giáo dục, chăm lo đời sống người dân đặt ra những thách thức nghiêm trọng. Trẻ em không được đến trường, giáo viên bị thiếu hụt, nhiều gia đình phải đối diện với những khó khăn trong việc duy trì việc làm, mất thu nhập, tâm lý, tâm trạng xã hội căng thẳng, bức xúc… Nhiều quốc gia, khu vực tình hình dịch bệnh lan tràn là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến các xung đột xã hội gia tăng, hoạt động của tội phạm và những hiện tượng tiêu cực xã hội phát triển. Thực tế cho thấy, dịch bệnh và vấn đề an ninh y tế đã kéo theo nhiều thách thức, đe dọa bất ổn về chính trị, xã hội.
– Ảnh hưởng của dịch bệnh đến an ninh, an toàn hệ thống y tế. Dịch bệnh làm cho chi phí của hệ thống y tế tăng quá mức như vật tư, thiết bị y tế, thiết bị bảo hộ, thuốc men chữa trị và phòng chống dịch bệnh; nguồn lực của ngành y tế (y sĩ, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, cán bộ quản lý….) phải huy động tối đa dẫn đến quá tải. Qua một số dịch bệnh lớn đã xuất hiện trên thế giới mà điển hình là dịch Covid 19 cho thấy nhiều quốc gia đã bị tiêu hao quá mức về thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, đội ngũ trong lĩnh vực y tế bị quá tải, thiếu hụt, thậm chí có quốc gia đang đứng bên bờ của sự sụp đổ của hệ thống y tế. Cuộc chạy đua về thời gian và công sức, công nghệ trong việc tìm kiếm vacine phòng bệnh và thuốc điều trị các dịch bệnh luôn là một thách thức lớn đối với nền y học nhân loại cùng những khó khăn và hệ lụy xã hội liên quan đến cuộc chiến chống các loại dịch bệnh.
– Bệnh dịch được coi là mối uy hiếp mới đối với an ninh nhân loại. Khi xuất hiện dịch bệnh và lan truyền mạnh, số người tử vong tăng cao làm cho cả thế giới lo sợ, khủng hoảng y tế kéo theo những khủng hoảng về chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao. Việc tìm kiếm những phương thức phòng ngừa và điều trị luôn là một thách thức thường xuyên không chỉ đối với lực lượng y tế mà còn là áp lực chính trị, xã hội rất lớn đối với các quốc gia cũng như toàn cầu. Bên cạnh vấn đề dịch bệnh, thì cùng với nó cũng xuất hiện những thách thức an ninh mới như chủ nghĩa khủng bố sinh học, khi mà một số cá nhân, tổ chức cực đoan, thậm chí là một số cơ quan chính phủ áp dụng vũ khi sinh học là virus để phát động tấn công khủng bố. Một số cá nhân, tổ chức còn thực hiện phương thức “khủng bố gene” để đối phó với các dân tộc đối địch để dần làm suy yếu, thậm chí tiêu diệt hoàn toàn một tộc người nào đó trong điều kiện kỹ thuật tương lai là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật, công nghệ đã và đang làm thay đổi toàn diện phương thức sinh hoạt, sản xuất của con người. Bên cạnh những lợi ích to lớn thì sự phát triển khoa học, công nghệ đó cũng dẫn đến sự phụ thuộc nặng nề vào sản phẩm khoa học. Tốc độ phát triển của khoa học tuy phát triển ngày càng nhanh đến mức bùng nổ nhưng cho đến nay nhận thức của nhân loại vẫn dừng lại ở một số giả thuyết, nó có thể giải thích được một số hiện tượng tự nhiên nào đó nhưng vẫn còn nhiều điểm nghi vấn. Đối với dịch bệnh luôn có những virus chủng loại mới và virus biến dạng mới, phương thức đối phó của nhân loại thì vẫn có hạn, trong nhiều trường hợp không thể giải quyết được (bất lực). Và đây cũng chính là một uy hiếp an ninh đối với quốc gia và nhân loại.
Nhìn từ góc độ an ninh phi truyền thống, an ninh y tế và các bệnh truyền nhiễm đã làm cho mọi người phải suy nghĩ lại những vấn đề có liên quan giữa nhân loại và giới tự nhiên. Một số lớn các nước phát triển thường đặt an ninh y tế, phòng chống dịch bệnh ở vị trí thứ yếu, phụ thuộc vào các mục tiêu lớn về kinh tế. Do đó, an ninh y tế không được quan tâm đặt trong phạm trù chính sách quốc gia và chuẩn mực quốc tế một cách đúng đắn dẫn đến những hệ lụy khôn lường đối với an ninh và phát triển của nhân loại.
Giống như quan hệ mật thiết giữa vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, an ninh y tế và phòng chống dịch bệnh trong điều kiện nào đó đã gián tiếp dẫn đến vấn đề an ninh quốc gia cả trên nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng. Theo đó, đối phó với uy hiếp an ninh phi truyền thống của an ninh y tế và dịch bệnh đòi hỏi phải có cách tiếp cận cả trong việc các biện pháp của an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Một trong những trở ngại cho việc ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống trong lĩnh vực y tế là nhiều chính phủ đã không coi trọng đầy đủ về mặt chính trị, xã hội. Bệnh truyền nhiễm dễ phát sinh trên qui mô lớn, trong thời gian tương đối ngắn, làm tổn thất nghiêm trọng đến sinh mạng, tài sản của nhân dân, tiêu hao nguồn lực quốc gia, nảy sinh nhiều vấn đề về trật tự xã hội và thách thức sự phát triển bền vững.
- Tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam
– Trên thế giới. Trong những năm qua, tình hình bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Một số bệnh được coi là đã khống chế được nay có xu hướng xuất hiện trở lại hoặc có diễn biến phức tạp hơn. Xu hướng bệnh truyền nhiễm ngày nay là sự gia tăng các dịch bệnh mới và tái nổi, các bệnh lây truyền từ động vật sang động vật, từ động vật sang người, đặc biệt là sự phát triển của các nhóm vi khuẩn, virus đột biến gene. Có thể kể đến một số loại dịch bệnh điển hình ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và phát triển toàn cầu như:
+ Bệnh HIV/AIDS được phát hiện vào những năm đầu của thập kỷ 80 của Thế kỷ XX và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu, đến nay có hàng trăm triệu người nhiễm, hàng chục triệu người đã chết vì HIV/AIDS.
+ Bệnh SARS được ghi nhận đầu tiên vào tháng 11/2002 tại Quảng Châu, Trung Quốc. Căn bệnh này đã nhanh chóng lan ra nhiều nước trên thế giới. Đây là một loại chủng virus mới có sự lây lan nhanh, có tỷ lệ tử vong rất cao (trên 10%) gây kinh hoàng trên thế giới.
+ Bệnh Cúm A được ghi nhận là bệnh gây dịch ở loài người từ năm 1874 đến nay. Các tuýp gây bệnh đã được ghi nhận là A, B, C. Trong số hàng trăn chủng virus cúm gia cầm tuýp A, chỉ có 5 chủng được biết là gây dịch bệnh ở người là H5N1, H7N3, H9N2, H7N7, H7 N9. Virus cúm A/H5N1 lần đầu tiên phát hiện bị nhiễm ở người vào năm 1997 ở Hồng Kông. Vào năm 2003 -2004, loại virus gia cầm này đã lan rộng từ châu Á tới châu Âu và châu Phi gây nhiễm cho hàng triệu gia cầm và hàng trăm ca nhiễm ở người, nhiều ca nhiễm cúm gia cầm ở người đã tử vong.
+ Các bệnh lây truyền từ động vật sang người: Hơn 200 bệnh lây nhiễm từ động vật đã được xác định và chúng đã được biết đến từ nhiều thập kỷ nay. Các bệnh này chiếm 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi, trong đó có nhiều bệnh còn chưa được chú ý như sốt xuất huyết, bệnh Lyme, Hội chứng phổi do Hantavirus, bệnh bò điên, dịch liên cầu lợn…
+ Đặc biệt, đại dịch Covid 19 xuất hiện từ cuối năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc đến nay đã lan ra toàn cầu với hàng trăm triệu người mắc bệnh, hàng chục triệu người tử vong. Đại dịch đã đẩy các quốc gia và toàn cầu rơi vào cuộc đại khủng hoảng về y tế, kinh tế, xã hội và hiện vẫn diến biến rất phức tạp, de đọa an ninh và phát triển của mọi quốc gia.
b. Tại Việt Nam
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành luôn quan tâm, chú trọng đến công tác chăm sóc bảo đảm sức khỏe của người dân với tinh thần “tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết”, đồng thời đặt trong mối quan hệ với sự phát triển bền vững quốc gia. Vì vậy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo đảm an ninh y tế, phòng chống dịch bệnh, trong đó sự kết hợp sự kết hợp chặt chẽ giữa phòng dịch với điều trị và phối hợp quốc tế đã góp phần đẩy lùi được nhiều bệnh dịch ở Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã phải chống chọi với nhiều loại dịch nguy hiểm như HIV/AIDS, SARS, Cúm A/H5N1, dịch cúm A/H1N1… và một số loại dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành từ trước như sốt xuất huyết Dengue, sở, rubella, thủy đậu, quai bị, viêm não virus Nhật Bản, tả, chân – tay – miệng… Thực tế cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phòng ngừa, ứng phó với nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quí báu trong công tác bảo đảm an ninh y tế.
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ du nhập thêm mầm bệnh và bệnh truyền nhiễm mới. Đặc biệt đại dịch Covid 19 đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh y tế, giữ vững sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Trong tương lai, Việt Nam có thể xuất hiện một số bệnh do động vật truyền (đặc biệt là nhóm bệnh do các virus ARN), bệnh nhiễm khuẩn trên nền các cơ địa suy giảm miễn dịch, bệnh chân – tay – miệng, bệnh SARS, bệnh cúm A, bệnh liên cầu lợn, bệnh sán lá phổi, sán lá gan lớn hoặc những đại dịch tương tự như Covid 19… đòi hỏi phải chủ động phòng ngừa, ứng phó nhằm ngăn chặn, hạn chế những tác hại do dịch bệnh gây ra.
- Các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh y tế và dịch bệnh
Đảm bảo an ninh y tế, phòng chống dịch bệnh bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đất nước luôn là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Nâng cao công tác dự báo, giám sát, phát hiện, khống chế, ngăn chặn có hiệu quả, không để dịch bệnh lớn xảy ra, ứng phó kịp thời các vấn đề khẩn cấp, sự cố môi trường, bảo đảm an ninh y tế”[2]. Để công tác bảo đảm an ninh y tế, phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới đạt hiệu quả, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
– Một là, cần xác định an ninh y tế, phòng chống dịch bệnh là một vấn đề của an ninh phi truyền thống, an ninh quốc gia, thách thức sự phát triển bền vững quốc gia.
Chính phủ, các cấp, các ngành cần có cách tiếp cận tổng thể để hoạch định một chính sách và pháp lý lâu dài trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm an ninh y tế phục vụ phát triển bền vững. Trong việc xây dựng chủ trương, chính sách về bảo đảm an ninh y tế, phòng chống dịch bệnh cần quán triệt phương châm: lấy phòng bệnh là chính, trong đó thông tin, giáo dục truyền thông, giám sát dịch bệnh là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật với các biện pháp xã hội, hành chính. Thường xuyên thực hiện việc giám sát dịch bệnh; chủ động nắm chắc tình hình dịch để có kế hoạch phòng chống kịp thời. Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế- xã hội. Thực hiện đúng các hướng dẫn phòng chống dịch; chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong phòng, chống dịch.
– Hai là, trong công tác quản lý, chỉ đạo phải thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước, tổng hợp, báo cáo tham mưu cho Chính phủ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước và thế giới.
Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước và từng địa phương, nhất là tại các “điểm nóng”; tổng hợp, báo cáo, tham mưu cho Chính phủ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, gây dịch trên thế giới và tại Việt Nam.
Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường công tac phòng, chống dịch.
Thành lập các Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh từ Trung ương đến tận cơ sở, có cơ sở pháp lý, qui chế và phương pháp chỉ đạo, thực hiện cụ thể. Tổ chức giao ban trực tuyến hàng tuần, hàng ngày về công tác phòng chống dịch.
Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc triển khai công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
Thực hiện chính sách phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, phụ cấp chống dịch cho các lực lượng tham gia.
– Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch.
Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đến từng địa phương, cơ sở.
Duy trì hệ thống giám sát dịch bệnh tại tất cả các tuyến từ trung ương, tỉnh, huyện, xã/phường, đặc biệt phối hợp với cơ sở y tế dự phòng và cơ sở khám chữa bệnh của cả nhà nước và tư nhân.
Phối hợp lực lượng của ngành y tế với các lực lượng khác trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong phòng chống dịch. Phân tích, dự báo xu hướng phát triển của dịch ở từng ổ dịch để có biện pháp phòng, chống thích hợp. Xử lý triệt để các ổ dịch, tiến hành xử lý môi trường với các biện pháp tiêu diệt véc – tơ truyền bệnh.
Trong giám sát, xử lý ổ dịch cần quán triệt các nguyên tắc như: a, Can thiệp toàn diện vào cả 3 mắt xích của quá trình dịch (nguồn lây nhiễm; các yếu tố trung gian truyền nhiễm; khối cảm thụ), song cần xác định những trọng tâm cho từng mắt xích; b, Lấy phòng bệnh là chính, kết hợp với các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống dịch; c, Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong các hoạt động phòng chống dịch; d, Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng; g, Thực hiện đúng hướng dẫn về phòng, chống dịch.
Triển khai có hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống dịch bệnh góp phần hạn chế tình hình dịch bệnh.
– Bốn là, tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh.
Cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống nói chung, an ninh y tế nói riêng, từ đó mọi công dân có ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với đất nước. Cần công khai, chính xác, kịp thời các thông tin về dịch.
Xây dựng thông điệp truyền thông, giáo dục sức khỏe cho từng đối tượng để người dân biết cách phòng chống. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống. Chú trọng công tác truyền thông nguy cơ, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tại những địa bàn có nguy cơ cao như khu tập trung đông người, khu công nghiệp, trường học…
– Năm là, xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa đến an ninh y tế, phòng, chống dịch bệnh
Trên thế giới và tại Việt Nam, bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, luôn có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, sự biến chủng của các tác nhân gây bệnh. Đặc biệt là các bệnh dịch nguy hiểm như dịch COVID-19, bệnh cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng da… chưa khống chế được triệt để; một số bệnh trước đây đã được khống chế nhưng hiện nay đang gia tăng trở lại ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, bạch hầu…. Các bệnh dịch chủ yếu do virus, không có thuốc điều trị đặc hiệu, một số bệnh chưa có vaccine dự phòng, các biện pháp phòng chống dịch chủ yếu là các biện pháp không đặc hiệu, tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát. Các bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ tại Việt Nam như dịch hạch, bại liệt luôn có nguy cơ tái xâm nhập từ bên ngoài. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, biến động về dân cư, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, sự giao lưu rộng rãi của người dân, hậu quả của thiên tai, lụt bão đang tác động tiêu cực tới các hoạt động y tế dự phòng, có thể làm phát sinh, phát triển dịch bệnh… Dịch bệnh, trong đó dịch bệnh Covid-19 là một dịch bệnh điển hình đã trở thành các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh y tế, cản trở sự phát triển bền vững của thế giới và Việt Nam, đe dọa tính mạng, đời sống, sức khỏe con người.
Việc xây dựng, triển khai các phương án, kịch bản phòng chống dịch cần phải sát với các tình huống cụ thể, với các qui mô, tính chất điển hình, dự báo được những khả năng khác nhau để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả. Cùng với việc xây dựng các phương án, kịch bản cần chú trọng việc tổ chức thực tập, diễn tập cũng với tăng cường thực lực y tế của quốc gia, địa phương cơ sở cả về cơ sở vật chất, vật tư, thiết bị y tế, thuốc phòng và điều trị đến đội ngũ của ngành y tế. Chính phủ, Bộ Y tế cần xây dựng các kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh y tế và tổ chức luyện tập, sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường khả năng của hệ thống cảnh báo, phát hiện sớm, bảo đảm khi xuất hiện các mối đe dọa an ninh y tế – an ninh phi truyền thống có thể cảnh báo, kích hoạt, triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn.
Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của ngành Y tế, nhất là đầu tư nhân lực, vật lực, tài chính cho các trung tâm, các công ty dược phẩm nghiên cứu, sản xuất vaccine; bổ sung cơ chế, chính sách, dự án cần thiết để nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng; khả năng dự phòng, dự trữ chiến lược quốc gia. Khi tình huống đe dọa an ninh y tế nổ ra, với phương châm “ 4 tại chỗ”, mỗi gia đình, mỗi cơ sở phải là “một pháo đài chống dịch”; thực hiện ngay các biện pháp dự phòng, tổ chức chống dịch theo nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; tiến hành điều trị, ưu tiên phát huy nguồn lực tại chỗ; kết hợp ngăn chặn, đẩy lùi các mối đe dọa an ninh y tế với phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
– Sáu là, nâng cao hiệu quản quản trị an ninh y tế, phòng, chống dịch bệnh
Quản trị an ninh y tế chính là sự tác động có tổ chức, mang tính quyền lực nhà nước của các cơ quan quản lý lên các quá trình và hành vi trong lĩnh vực y tế nhằm tạo ra sự an toàn và phát triển bền vững hoạt động y tế.
Hiện nay, ở Việt Nam việc quản trị an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh y tế, phòng, chống dịch bệnh tập trung thực hiện phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Với tư tưởng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, hiện nay ở nhiều địa phương bên cạnh quán triệt và tổ chức thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” còn bổ sung thêm các phương châm mới phù hợp với thực tiễn của địa bàn như “3 biết trước”, “5 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”…
Các phương châm cần phải được hiện thực hóa, cụ thể hóa đối với từng dịch bệnh, từng khu vực, địa bàn cũng như diễn biến dịch bệnh tại các khu vực, địa bàn đó để có cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.
Để thực hiện quản trị an ninh y tế, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, một vấn đề rất quan trọng là phải xác định và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và những lực lượng tuyến đầu. Phải có qui định về trách nhiệm cụ thể, nhiệm vụ cụ thể, chế tài, về phân cấp, phân quyền và các phương pháp, biện pháp cụ thể nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, tính trách nhiệm và kỷ luật trong phòng, chống dịch.
– Bảy là, quản lý, điều trị bệnh nhân hiệu quả.
Chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh trong hệ thống điều trị từ Trung ương đến cơ sở trong công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang bị thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Phân công nhiệm vụ, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật điều trị cho các cơ sở y tế. Tổng kết, rút kinh nghiệm công tác điều trị, nhất là các trường hợp tử vong. Tăng cường năng lực cho các bệnh viện các tuyến, phân tuyến điều trị. Phân luồng bệnh nhân theo từng mức độ và phù hợp với khả năng của cơ sở điều trị nhằm chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để giảm tỷ lệ tử vong.
Tổ chức các đội điều trị cấp cứu cơ động để hỗ trợ tuyến dưới. Tổ chức tập huấn công tác điều trị, tiếp nhận, cách lý, cấp cứu bệnh nhân.
Phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trong công tác thu thập thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, chính xác, kịp thời theo qui định. Tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, lây chéo trong bệnh viện.
– Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, công nghiệp 4.0.., các dịch bệnh mới nổi liên tục xẩy ra trên thế giới và khu vực ảnh hưởng rất lới đến sức khoẻ nhân dân, sự phát triển kinh tế và xã hội toàn cầu như: COVID-19, cúm A 9 H1N1, H5N1, Ebola, SARS….., sự gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, tội phạm xuyên quốc gia về chính trị, kinh tế cần phải có sự phối hợp giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế để phát hiện sớm, ngăn chặn sự lây lan, xử lý các ổ dịch, giảm nguy cơ bùng phát dịch, giảm thiểu các hệ lụy đến các vấn để kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh của các quốc gia, quốc tế.
Việc hợp tác quốc tế cần phối hợp với các nước thực hiện tốt Điều lệ Y tế quốc tế (IRH), chia sẻ thông tin dịch bệnh, đặc biệt là những dịch bệnh mới xuất hiện, dịch bệnh nghiêm trọng.
Hợp tác với các tổ chức quốc tế như WHO, USAID, USCDC, ADB, WB UNICEF… để huy động các nguồn lực và kỹ thuật cho phòng, chống dịch bệnh.
Tham gia các chương trình y tế toàn cầu, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước trong công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả dịch bệnh, tăng cường nguồn lực y tế quốc gia nhất là các vấn đề quan trọng, cấp bách như nghiên cứu, sản xuất, cung cấp vacine phòng bệnh; nghiên cứu điều chế thuốc điều trị; trang bi vật tư, thiết bị y tế; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; trao đổi kinh nghiệm phòng, chống dịch… nhằm đảm bảo an ninh y tế, góp phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng và bảo về đất nước.
- Một số giải pháp thích ứng với tình hình bệnh dịch nghiêm trọng (lấy đại dịch Covid 19 làm điển hình)
Trước tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân, đến sự ổn định xã hội và các hoạt động sản xuất, kinh doanh đòi hỏi cần phải có giải pháp thích ứng kịp thời cũng như hướng tới ổn định lâu dài “sống chung với dịch”. Theo chúng tôi cần phải có một số giải pháp như sau:
– Trước hết, cần tập trung mọi biện pháp và nguồn lực nhằm cắt đứt nguồn lây trong ngắn hạn (mắt xích đầu tiên trong chuỗi mắt xích của quá trình dịch). Các biện pháp dãn cách cần thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, khoa học, sát với thực tiễn của từng địa bàn, khu vực là rất cần thiết nhằm không để dịch bùng phát trên diện rộng dẫn đến mất kiểm soát (đây là biện pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng).
Về trung hạn và dài hạn phải kiên quyết, kiên trì tạo ra cơ chế an toàn trong phòng chống dịch. Theo đó, cần tập trung vào những biện pháp mang tính nền tảng đó là hướng đến các biện pháp phòng dịch cộng đồng để có thể miễn dịch cộng đồng, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp có tính căn bản là đảm bảo tỷ lệ người được tiêm đủ liều vacine ở mức cao nhất có thể, kết hợp với các biện pháp phòng dịch khác (như bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện 5K, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân, mỗi gia đình là một pháo đài phòng, chống dịch…). Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh việc mua, tổ chức tiêm vacine cho người dân nhanh nhất, nhiều nhất, một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn trong từng thời điểm, từng địa bàn, khu vực. Để làm tốt việc này, các cơ quan chức năng cần tích cực tìm kiếm và đa dạng nguồn cung vacine; đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất vacine trong nước để chủ động trong việc tiêm vacine cho người dân không chỉ trước mắt mà hướng tới lâu dài và bền vững.
Song song với việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm, các cơ quan chức năng hướng tới các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế an toàn; tổ chức lại các hoạt động, xây dựng biện pháp an toàn phòng dịch phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh như: trong các khu công nghiệp, trong giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ… với các “kịch bản”, cách thức phù hợp như “hộ chiếu vacine”, “luồng xanh”, “3 cùng”…; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ vào tổ chức sản xuất, dịch vụ, đời sống và phòng, chống dịch…
– Hai là, cần hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp khẩn cấp. Chỉ áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong những trường hợp thực sự cấp bách và chỉ nên áp dụng trong phạm vi hẹp nhằm hạn chế ảnh hưởng dây chuyền đến các chuỗi cung ứng vật tư, hàng hóa, việc sản xuất, kinh doanh và đời sống của cả xã hội.
Trong các trường hợp cân phải áp dụng tình trạng khẩn cấp thì chú trọng ưu tiên bảo vệ an toàn cho các lực lượng tuyến đầu trực tiếp chống dịch, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, lực lượng Công an, Quân đội, thanh niên xung kích, cán bộ cơ sở… không để dịch tấn công các lực lượng này. Bởi, đây là những lực lượng trực tiếp giải quyết các nhiệm vụ khẩn cấp hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch. Cần có chế độ, chính sách phù hợp, kịp thời để động viên về vật chất, tinh thần, bảo đảm cho các lực lượng này đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, góp phần chống dịch đạt kết quả cao nhất.
Mặt khác, trong các trường hợp khẩn cấp cũng cần chú trọng bảo vệ lực lượng trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, vật tư thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, lái xe vận tải hàng hóa, người làm các công việc dịch vụ thiết yếu như cung cấp lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường… cần được ưu tiên trong việc tiêm vacine cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn để vừa sản xuất, dịch vụ an toàn và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
– Ba là, cần giảm thiểu gánh nặng cho ngành y tế, tránh để xảy ra tình trạng quá tải, quá sức, sụp đổ hệ thống y tế. Điều này sẽ gây ra những đổ gẫy trong phòng và chống dịch bệnh, dẫn đến tổn thương nghiêm trọng đối với phòng tuyến đầu tiên và chốt chặn cuối cùng trong phòng dịch, điều trị cho người mắc dịch.
Cần tập trung mọi biện pháp và nguồn lực để giảm thiểu đến mức thấp nhất số người tử vong, số ca bị nặng. Tập trung cao độ nguồn lực và năng lực (trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị và đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng…) để điều trị bệnh nhân, nhất là những đối tượng có nguy cơ bị tử vong cao, qua đó sẽ giảm bớt áp lực cho ngành y tế cũng như xã hội.
Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân luồng điều trị bệnh nhân hợp lý, trong đó chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế tư nhân. Các cơ sở y tế có năng lực và chất lượng cao chỉ tập trung vào điều trị cho các ca bệnh nặng, có nguy cơ tử vong cao. Có như vậy mới tạo ra thế trận nhiều tầng, nhiều lớp trong phòng, chống dịch hiệu quả trước mắt và lâu dài.
– Bốn là, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và của người dân trong phòng, chống dịch.
Trong việc tổ chức phòng, chống dịch, người đứng đầu địa phương, cơ quan, tổ chức có vai trò rất quan trọng. Cần phải có các qui định, qui chế, chế tài cụ thể đối với trách nhiệm của người đứng đầu đối với các biện pháp phòng, chống dịch, qua đó xác định tính hiệu quả, tính trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo hay sự hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ để tạo ra động lực làm xoay chuyển tình thế ở từng địa bàn, từng cơ quan, từng lĩnh vực, tạo nên hiệu quả tổng hợp trong toàn quốc.
Thông điệp của Chính phủ “mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là
một chiến sĩ” trong phòng, chống dịch; “thắng lợi trong phòng, chống dịch là
thắng lợi của người dân” cần phải được lan tỏa mạnh mẽ, phải biến thành những
việc làm cụ thể, hành động cụ thể, hiệu quả cụ thể. Cấp ủy, chính quyền các cấp
phải thực sự vào cuộc với nhiều hình thức, biện pháp, phát huy vai trò của các
tổ chức xã hội ở cơ sở, các tổ chức tôn giáo, chức sắc dân tộc… ngay tại địa
phương, ở từng khu vực dân cư để biến Thông điệp đó trở thành nhận thức và ý
thức thường xuyên, thành nếp sống, sinh hoạt hàng ngày của mỗi người để trước
hết bảo vệ mình sau đó cũng cộng đồng, xã hội đẩy lùi dịch bệnh, ổn định đời
sống, phát triển kinh tế, xã hội./.
[1] Long Hy Thành: Đinh Học Lương bàn về SARS – Bệnh truyền nhiễm trong tiến trình văn minh nhân loại: tàn phá bữa bãi và chinh phục, Báo Kinh tế thế kỷ XXI, ngày 21-4-2003
[2] Văn kiện Đại hội XIII, Tập 1, tr.268
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn