Bài phát biểu giới thiệu diễn đàn của Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm – Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội tại diễn đàn hợp tác Quản trị An ninh phi truyền thống khu vực ASEAN (ACF-MNS) lần thứ nhất

GS.TS Nguyễn Xuân Yêm phát biểu tại Diễn đàn hợp tác Quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN (ACF-MNS) lần thứ nhất

Hà Nội, ngày 17-10-2022

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội!

Kính thưa các vị khách quý, các quý vị đại biểu!

Ngày 04 tháng 11 năm 2002 tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Cawmpuchia, Những người đứng đầu các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực An ninh phi truyền thống.

Trong 20 năm qua nhiều hoạt động hợp tác về An ninh phi truyền thống và Quản trị An ninh phi truyền thống đã được tiến hành ở các quốc gia thành viên ASEAN và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về xây dựng chính sách, pháp luật, hợp tác phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Với việc thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015 với ba trụ cột chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, trong những năm qua các nước ASEAN đã và đang thiết lập nhiều cơ chế hợp tác an ninh nói chung, hợp tác an ninh phi truyền thống nói riêng.

Trong các cơ chế hợp tác ASEAN về phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, khủng khoảng an ninh phi truyền thống có cơ chế ASEANAPOL (ASEAN Association of Chiefs of Police), Hiệp hội Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN.

Trong hợp tác ASEAN còn có cơ chế hợp tác phòng chống ma túy, hướng tới các mục tiêu ASEAN không ma túy thông qua cơ chế ASOD (ASEAN Senior Officials on Drug Matters).

Năm 1998, Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy đã bàn  hướng tới một Cộng đồng khu vực ASEAN không ma túy.

Những năm gần đây, trong khuôn khổ ASEAN còn có nhiều cơ chế hợp tác an ninh phi truyền thống như:

AICHR (ASEAN Intergovernmental Commission on Human Rights), Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về quyền con người.

ADMM (ASEAN Defence Ministers Meeting), Cuộc gặp thường niên Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN.

ALAWMM (ASEAN Law Ministers Meeting), Cuộc gặp thường niên Bộ trưởng Tư pháp ASEAN.

AMMTC (ASEAN Ministerial Meeting on Transnational Crime), Cuộc gặp thường niên cấp Bộ trưởng ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Nhiều sáng kiến ASEAN về hợp tác ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trong đó có đại dịch COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và thiết lập trong những năm qua; Nhiều mô hình đào tạo và hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về  Quản trị An ninh phi truyền thống đã được triển khai tại Việt Nam (trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Quản trị và Kinh doanh, Viện An ninh phi truyền thống, các Học viện, nhà trường thuộc Bộ Công an Việt Nam, Bộ Quốc phòng,v.v..), Nhóm nghiên cứu về An ninh phi truyền thống thuộc Trường  Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore,v.v…

Để tăng cường hội nhập về an ninh nói chung, an ninh phi truyền thống nói riêng, các nước ASEAN đang tăng cường hợp tác an ninh phi truyền thống trong khuôn khổ ASEAN theo phương châm “Gắn kết và Chủ động thích ứng” mà Việt Nam đã nêu ra trong năm 2020 làm Chủ tịch ASEAN. Đồng thời tăng cường hợp tác ASEM, ASEAN +, ASEAN – EU, INTERPOL và hợp tác song phương, đa phương với Liên hợp quốc và các nước trên thế giới, khu vực về an ninh phi truyền thống:

– Hợp tác phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có yếu tố bạo lực cao như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, các mối đe dọa dẫn tới tình trạng khẩn cấp.

– Hợp tác phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có yếu tố bạo lực thấp: gồm an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, an ninh nguồn nước, an ninh y tế và phòng chống dịch bệnh, an ninh du lịch, an ninh giao thôngv.v…Trong giai đoạn hiện nay là phòng chống đại dịch Covid-19.

Triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng xây dựng và phát triển quan hệ với các nước ASEAN.

Trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ năm 2014 khoa Quản trị Kinh doanh (nay là Trường Quản trị và kinh doanh), Đại học Quốc gia Hà Nội – cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam – đã mở chuyên ngành đào tạo Thạc sỹ Quản trị An ninh phi truyền thống với 8 hướng chuyên sâu: Chính sách và Chiến lược An ninh phi truyền thống; An ninh và phát triển địa phương; An ninh kinh tế và An ninh tài chính; An ninh doanh nghiệp; Rủi ro thị trường và điều tra thương mại; An ninh thông tin và An ninh mạng; An ninh con người và An ninh môi trường; An ninh hang không và từ năm 2021 mở chuyên ngành Cử nhân Quản trị và An ninh với 3 chuyên ngành: An ninh mạng, An ninh tài chính và Kinh doanh số. Năm 2019 Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Viện An ninh phi truyền thống đặt trực thuộc Trường Quản trị và Kinh doanh và đang xúc tiến ra mắt Tạp chí Quản trị và An ninh.

Trong một số Học viện, Nhà trường Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đã mở một số chuyên ngành riêng hoặc lồng ghép đào tạo về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ kinh tế, cứu nạn, cứu hộ, an toàn thông tin, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, v.v…

Để tăng cường hợp tác ASEAN trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong khu vực, hôm nay Đại học Quốc gia Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Việt Nam xây dựng, hình thành Diễn đàn hợp tác quản trị an ninh phi truyền thống giữa các nước khu vực ASEAN (ASEAN cooperation forum on management of nontraditional security – ACF MNS). Chủ đề Diễn đàn: Đoàn kết, chủ động hợp tác quản trị, ứng phó các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở khu vực ASEAN.

Diễn đàn tiếp cận từ 03 góc độ: cơ chế, chính sách, pháp luật về an ninh phi truyền thống; nghiên cứu khoa học và đào tạo về an ninh phi truyền thống; quản trị, thực thi an ninh phi truyền thống. Tập trung vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức giữa các cơ quan hành pháp, quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo về an ninh phi truyền thống và quản trị an ninh phi truyền thống, góp phần nâng cao hiệu quả việc xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam và các nước ASEAN về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Diễn đàn phấn đấu trở thành một diễn đàn thường niên của các nước ASEAN, có sự tham gia của các các nhà quản lý, các học giả, nhà khoa học các nước ASEAN và các nước đối tác ASEAN.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý, các quý vị đại biểu!

Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu, các nhà khoa học các nước thành viên ASEAN, các Đối tác, các Tổ chức quốc tế và bạn bè của ASEAN đã ủng hộ và hợp tác chặt chẽ cùng Việt Nam, cùng Đại học Quốc gia Hà Nội và chúng tôi trong quá trình tham gia tổ chức Diễn đàn này và hôm nay đã tham dự Diễn đàn.

Xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, vị khách quý, các quý vị đại biểu lời chúc tốt đẹp nhất.

Xin trân trọng cám ơn!