Bài phát biểu khai mạc của GS.TS Lê Quân – Gíam đốc đại học Quốc gia Hà Nội tại Diễn đàn hợp tác Quản trị An ninh phi truyền thống khu vực ASEAN (ACF-MNS) lần thứ nhất

GS.TS Lê Quân phát biểu tại diễn đàn hợp tác quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN (ACF-MNS) lần thứ nhất

Hà Nội, ngày 17-10-2022

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành và TP. Hà Nội.

Kính thưa các vị đại biểu khách quý các nước ASEAN và đối tác của ASEAN.

Thưa toàn thể Quý vị!

Theo sáng kiến và đề nghị của các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chấp thuận, hôm nay, ngày 17 tháng 10 năm 2022, tại Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, “Diễn đàn hợp tác quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN” lần đầu tiên được tổ chức.

Thay mặt Đại học Quốc gia Hà Nội – đơn vị chủ trì tổ chức “Diễn đàn hợp tác quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN”lần thứ nhất, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cám ơn các vị đại biểu khách quý, các nhà quản lý, quản trị, nhà khoa học Việt Nam, các nước ASEAN và đối tác của ASEAN đã tham dự Diễn đàn ngày hôm nay, tại Hội trường này cũng như tại các điểm cầu trực tuyến.

Thưa Quý vị!

Khu vực ASEAN với GDP tổng cộng khoảng 2,9 nghìn tỷ USD, hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, là thị trường lớn thứ 3 toàn cầu và trở thành một khu vực kinh tế với mức tăng trưởng GDP dự báo vào khoảng 5,5%/năm và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2025. ASEAN cũng là thị trường đông dân thứ 3 trên thế giới với khoảng 650 triệu người. Hiện nay, ở khu vực ASEAN, các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa liên quan đến an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đang hiện hữu và ngày càng gia tăng, trong đó có các vấn đề liên quan tới khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh kinh tế, an ninh tài chính, an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh sức khỏe, an ninh con người, an ninh doanh nghiệp, an ninh văn hóa, an ninh giáo dục… Trước tình hình đó, đòi hỏi cấp thiết đối với khu vực là đoàn kết và tăng cường hợp chặt chẽ giữa các quốc gia trong việc đảm bảo an ninh chung cho toàn khu vực. Hợp tác ASEAN về quản trị an ninh phi truyền thống đã và đang trở thành nhu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài để phát triển bền vững và bảo đảm cuộc sống an toàn cho các quốc gia và người dân.

Nhận thức rõ về tính chất nguy hiểm của các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ an ninh phi truyền thống, trong những năm qua, các nước ASEAN đã tăng cường hợp tác thông qua các hoạt động: trao đổi thông tin; xây dựng quy chuẩn hoạt động chung; phối hợp đào tạo, huấn luyện, diễn tập và ứng phó sự cố… trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Đồng thời, các nước trong khu vực đã từng bước xây dựng, vận hành nhiều cơ chế hợp tác ngày càng chặt chẽ và thực chất như:  Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC),  Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về an ninh mạng (AMCC),  Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN (TELMIN), Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về môi trường (ASOEN), Diễn đàn Biển ASEAN (AMF)… Thông qua các cơ chế, hoạt động đó, đã tăng cường đoàn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác, ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống vì mục tiêu hoà bình, ổn định và phát triển bền vững của các quốc gia ASEAN. Cùng với đó, đã hình thành các khuôn khổ, cơ chế hợp tác về lĩnh vực an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống giữa ASEAN với các đối tác (ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á – EAS) với sự tham gia của hầu hết các cường quốc như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Ấn Độ… vì các mục tiêu chung duy trì hoà bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.

Là một quốc gia thành viên của ASEAN, trong nhiều năm qua, các cấp lãnh đạo và quản trị của Việt Nam đã tăng cường nhận thức và nhận diện ngày càng đầy đủ hơn về vấn đề an ninh phi truyền thống. Cùng với các nước ASEAN khác, Việt Nam đã chủ động tham gia xây dựng, thực hiện các cơ chế, chương trình, kế hoạch hợp tác nội khối ASEAN, cũng như hợp tác giữa ASEAN với các đối tác khác nhằm mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh trên ba trụ cột: chính trị – an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội, góp phần bảo đảm hoà bình, an ninh, thịnh vượng trên toàn thế giới.

Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đại học Quốc gia Hà Nội có trách nhiệm quốc gia trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển bền vững cũng như bảo vệ an ninh của đất nước.

Với sứ mạng đó, trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiên phong đi đầu trong triển khai nghiên cứu và đào tạo về an ninh phi truyền thống, quản trị an ninh phi truyền thống. Từ năm 2014, Khoa Quản trị và Kinh doanh (nay là Trường Quản trị và Kinh doanh) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức đào tạo bậc học đại học và sau đại học về quản trị an ninh phi truyền thống; đồng thời, đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về quản trị an ninh phi truyền thống cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn. Năm 2019, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập và phát triển Viện An ninh phi truyền thống (INS), đặt tại Trường Quản trị và Kinh doanh. Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học liên ngành về lĩnh vực an ninh phi truyền thống đầu tiên ở Việt Nam. Việc tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo về an ninh phi truyền thống, quản trị an ninh phi truyền thống nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn tại Việt Nam, góp phần xây dựng tư duy, nhận thức mới về bảo vệ an ninh quốc gia, từng bước xây dựng và phát triển trường phái học thuật về Quản trị an ninh phi truyền thống; đồng thời, cùng các đơn vị khác, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng quản trị trên các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững và bảo đảm an ninh của đất nước. Để đạt mục tiêu đó, chúng tôi nhận thấy cần phải tăng cường hợp tác quốc tế (trong đó, có hợp tác trong khu vực ASEAN) về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực quản trị an ninh phi truyền thống. Theo đó, cần hình thành cơ chế hợp tác, trao đổi học thuật, chuyển giao tri thức, đào tạo nguồn nhân lực về quản trị an ninh phi truyền thống giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các nhà khoa học trong khu vực ASEAN và đối tác của ASEAN; thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm khoa học, trao đổi kinh nghiệm về quản trị an ninh phi truyền thống; phối hợp xuất bản các ấn phẩm; trao đổi sinh viên, học viên, giảng viên và nghiên cứu viên…

  Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra suốt mấy năm qua và những biến động khôn lường trên thế giới hiện nay, chúng tôi vui mừng nhận thấy bản sắc và tình đoàn kết, gắn bó, năng lực tự cường của Cộng đồng ASEAN vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Diễn đàn ngày hôm nay là minh chứng rất rõ ràng, thể hiện mong muốn và quyết tâm của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng cũng như của giới nghiên cứu và các nhà quản lý của Việt Nam, các nước ASEAN và đối tác của ASEAN trong các nỗ lực chung để phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ an ninh phi truyền thống, góp phần duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực.

Để xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ an ninh phi truyền thống, chúng tôi cho rằng, trước mắt nên tập trung vào một số ưu tiên:

Một là, tiếp tục gắn kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, đặc biệt chú trọng xây dựng Cộng đồng Chính trị – An ninh vững mạnh, qua đó khẳng định vai trò của các cơ chế ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững của khu vực.

Hai là, tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác, tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước ASEAN trong phòng ngừa, ứng phó với các thách thức, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho công dân ASEAN và ngăn chặn các bất ổn xã hội gây ra bởi tác động của các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

Ba là, tăng cường xây dựng lòng tin, xác lập cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách và chiến lược về quản trị an ninh phi truyền thống. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội kỳ vọng, với sự quan tâm của lãnh đạo các quốc gia ASEAN, trực tiếp là sự tham gia nhiệt tình của các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn các nước trong khu vực, từ hôm nay, sẽ hình thành nên một diễn đàn chung của ASEAN về Quản trị an ninh phi truyền thống. Hy vọng rằng, Diễn đàn này sẽ được tổ chức thường niên hàng năm, sẽ là nơi thu hút các học giả, diễn giả trong và ngoài khu vực ASEAN chia sẻ các kết quả nghiên cứu và bàn thảo về các khía cạnh khác nhau của an ninh phi truyền thống. Bằng cách đó, Diễn đàn sẽ góp phần nhận diện, đánh giá thực trạng, gợi mở, đề xuất chính sách, giải pháp ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe doạ an ninh phi truyền thống trong khu vực Đông Nam Á nói chung và từng nước trong khu vực nói riêng.

Có thể coi những nguy cơ, thách thức, mối đe doạ an ninh phi truyền thống như là những “phép thử” sự đoàn kết và sức mạnh của Cộng đồng ASEAN, nhất là Cộng đồng Chính trị – An ninh, do đó, chúng ta phải đoàn kết, khẳng định bản lĩnh đưa ASEAN thực hiện thành công mục tiêu Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Việt Nam luôn luôn cam kết nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Trong tiến trình đó, Đại học Quốc gia Hà Nội, với sứ mệnh và trách nhiệm quốc gia về đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển bền vững và bảo đảm an ninh của đất nước, mong muốn trở thành điểm đến, nơi tổ chức các sự kiện, đón tiếp các học giả, nhà quản lý, quản trị đến từ các nước ASEAN và đối tác đến để cùng nhau trao đổi học thuật cũng như những vấn đề thực tiễn về an ninh phi truyền thống và quản trị an ninh phi truyền thống; đồng thời,  Đại học Quốc gia Hà Nội cũng rất mong muốn mở rộng hợp tác nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực quản trị an ninh phi truyền thống với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo của các nước trong khu vực ASEAN cũng như các nước đối tác của ASEAN.

Một lần nữa, xin nhiệt liệt chào mừng và chúc sức khoẻ các Quý vị đại biểu khách quý hiện diện tại Hội trường này cũng như tại các điểm cầu trực tuyến.

Xin chúc “Diễn đàn hợp tác quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN”lần thứ nhất thành công tốt đẹp.

Trân trọng cám ơn Quý vị!