Báo chí và vấn đề an ninh phi truyền thống

An ninh phi truyền thống là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống rất cần sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành, đặc biệt là giới báo chí truyền thông.

Thế giới đang trải qua những vấn đề của tội phạm công nghệ cao liên quan đến việc phát mã độc WannaCry

Vấn đề mang tính toàn cầuSau “Chiến tranh lạnh”, xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, thế giới bước vào giai đoạn mà trong đó hợp tác và phát triển kinh tế là chủ yếu đã đem đến sự hưng thịnh cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, quá trình hợp tác và hội nhập này cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới, đe dọa đến an ninh, chủ quyền của các quốc gia, dân tộc.

Khái niệm An ninh phi truyền thống (ANPTT) được ra đời trong bối cảnh đó và được sử dụng rộng rãi trên nhiều diễn đàn quốc tế thảo luận về các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, nhất là sau khi diễn ra sự kiện khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ. Mặc dù có nhiều nhận thức khác nhau về vấn đề ANPTT nhưng về cơ bản có thể hiểu: ANPTT không phải là an ninh quân sự mà là an ninh tổng hợp, bao gồm: các mối đe dọa đến con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, môi trường sinh thái, trong đó, nổi bật là các vấn đề về: thảm họa môi trường, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh, ma túy và các vấn đề đó mang tính chuyển hóa, liên kết, xuyên quốc gia.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2004 xác định: “Những vấn đề chưa được giải quyết, liên quan đến tranh chấp biên giới, lãnh thổ trên bộ, trên biển cùng những vấn đề ANPTT khác, như buôn bán, vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, nhập cư và di cư trái phép, suy thoái môi trường sinh thái… cũng là những mối quan tâm an ninh của Việt Nam”. Giải quyết được các mối đe dọa từ ANPTT đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, sự hợp tác trên toàn thế giới bằng các biện pháp trên tất cả phương diện: chính trị, kinh tế, ngoại giao…

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức an ninh quốc phòng trong giải quyết, ứng phó với các mối đe dọa ANPTT nhằm: “… làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới như: Chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, tranh chấp chủ quyền biển đảo, vùng trời, “diễn biến hòa bình”, bạo loạn chính trị, khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia…”. Để có thể thực hiện được nhiệm vụ đó, báo chí chính là một kênh truyền thông hiệu quả, đắc lực, góp phần quan trọng từng bước đẩy lùi những thách thức, nguy cơ, khủng hoảng trong tình hình mới, bảo đảm an ninh, chủ quyền của quốc gia, dân tộc.

Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề lớn trong an ninh phi truyền thống

Vai trò của báo chíTrong những năm qua, với đặc tính cơ bản là phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp, báo chí trở thành phương tiện hữu hiệu thông tin, tuyên truyền các vấn đề ANPTT đến với cán bộ, nhân dân, giúp đông đảo cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức nhằm đối phó với mối đe dọa toàn cầu này.

Với chức năng của mình, báo chí đã phân tích, chỉ ra các biểu hiện, tính chất, tác hại, hậu quả cũng như nguyên nhân xảy ra các thách thức từ ANPTT; kịp thời cập nhật những thông tin để nhân dân và toàn xã hội nhận diện rõ các mối đe dọa ANPTT đang hiện diện ở Việt Nam hiện nay. Đó là vấn đề tụt hậu, chệch hướng, khủng hoảng kinh tế; suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa; tin tặc; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; tội phạm có tổ chức; tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao; khủng bố, ly khai, tự trị; xung đột vũ trang do tranh chấp chủ quyền biển đảo. Qua báo chí, tầng lớp nhân dân đã nâng cao nhận thức về quyền, trách nhiệm của công dân trong phòng chống tác động tiêu cực của thách thức ANPTT, bảo đảm phát triển bền vững.

Với vai trò giám sát và phản biện xã hội, báo chí kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương, khích lệ; đồng thời phát hiện những hạn chế, yếu kém, những biểu hiện của sự chệch hướng, tụt hậu… nhằm nâng cao chất lượng của bộ máy nhà nước. Khi một sự việc xảy ra, đồng loạt các cơ quan báo chí vào cuộc với các bài viết khai thác ở các khía cạnh khác nhau, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ. Nhiều nội dung của vấn đề ANPTT được báo chí đề cập, không chỉ thông tin mà còn thể hiện chính kiến, quan điểm, đưa ra những lập luận nhằm định hướng dư luận xã hội.

Ví dụ trong sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung, báo chí thể hiện vai trò hết sức quan trọng, thông tin nhanh chóng, kịp thời. Khi sự cố môi trường này vừa có các biểu hiện nghi vấn, chính báo chí đã phát hiện, không chỉ đưa tin mà còn thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn ý kiến của người dân, ý kiến của các chuyên gia.Từ báo viết, báo hình, báo nói đến báo điện tử đều đồng loạt có những bài viết lập luận, phản bác góp phần yêu cầu Formosa phải nhận tội và khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, từ sự cố môi trường này, một số tổ chức phản động núp dưới danh nghĩa “bảo vệ môi trường”, “đấu tranh vì quyền lợi của người dân” tổ chức biểu tình, gây ra những cuộc bạo loạn như vụ bạo loạn ở Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sau khi báo chí vào cuộc, thông tin nhanh chóng, kịp thời, trung thực, người dân hiểu, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không để các đối tượng xấu lôi kéo, xúi giục, thực hiện các hành vi sai trái.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, mặc dù ANPTT được xác định là mối nguy hại đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia trong giai đoạn hiện nay, nhưng các bài viết liên quan đến vấn đề này chưa thực sự thường xuyên, liên tục. Nhiều cơ quan báo chí chủ yếu chạy theo sự vụ, giật “tít”, câu “like” mà chưa chú trọng đến nội dung phản ánh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc chiến tranh thông tin đang là một thách thức đối với nhiều quốc gia, khi người dân từng giờ, từng phút tiếp thu thông tin từ nhiều nguồn tin khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, đấu tranh với các mối đe dọa từ vấn đề ANPTT, trong đó đặc biệt là vấn đề tụt hậu, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, rất cần có nhiều bài viết sắc sảo với các hình thức tuyên truyền sâu rộng hơn.

Việt Nam vẫn chưa giải quyết được nạn tội phạm xuyên quốc gia buôn lậu sừng tê giác

Đảm bảo nguyên tắc tôn trọng sự thậtTừ thực tiễn tuyên truyền về các vấn đề ANPTT trên báo chí hiện nay, đặt ra một vấn đề, cần làm gì để phát huy vai trò của báo chí, sử dụng báo chí như một công cụ hữu hiệu góp phần hạn chế những tác động từ các mối đe dọa ANPTT.

Thứ nhất, để phát huy được vai trò của báo chí nhằm bảo đảm ANPTT, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, không chỉ định hướng về nội dung, hình thức tuyên truyền mà vấn đề quan trọng là nâng cao nhận thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên về những nguy cơ, thách thức từ những tác động của mối đe dọa ANPTT, từ đó chú trọng thông tin, tuyên truyền đảm bảo tôn trọng sự thật, tạo ra môi trường trao đổi thông tin lành mạnh để công chúng, độc giả tiếp cận thông tin đó một cách đầy đủ, kịp thời.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, cần tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời, tiếp thu ý kiến phản ánh của các tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các sai phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội dung các tin bài đăng trên báo chí cũng như hoạt động của các cơ quan báo chí, xây dựng báo chí trở thành công cụ hữu hiệu, đắc lực, phục vụ ứng phó với các mối đe dọa từ ANPTT.

Thứ ba, các cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể hơn không chỉ bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp mà còn cổ vũ, động viên nhà báo xông pha vào mặt trận đấu tranh với các mối đe dọa từ ANPTT – lĩnh vực đầy gian nan, nguy hiểm, đòi hỏi bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng của các nhà báo.

Được xác định là “nguy cơ”, “thách thức” đe dọa nền an ninh của các quốc gia trong giai đoạn hiện nay, nên để đối phó với ANPTT cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, báo chí cần tôn trọng sự thật, tạo môi trường trao đổi thông tin lành mạnh góp phần giúp công chúng nhận diện rõ bản chất, tác động của ANPTT, nâng cao ý thức cảnh giác, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực từ ANPTT, giữ vững ổn định để phát triển đất nước

Trần Như Mai (Tạp chí Cảnh sát nhân dân)