– Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”( Văn kiện Đại hội XIII, tập 1, tr.157-158).Để giúp học viên có tư liệu học tập môn học “Quản trị an ninh” và “Quản trị an ninh phi truyền thống”, Cổng thông tin điện tử Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị an ninh phi truyền thống (tới đây là Viện An ninh phi truyền thống) đang bài viết nghiên cứu này.
1-Cuộc hiện đại hóa thứ 5 ở Trung Quốc.
Năm 2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và kiểm điểm lại các thành tựu của mốc 100 năm đầu tiên. Quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc gắn liền với sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân nước CHND Trung Hoa với cuộc hiện đại hóa thứ 5 mà về công khai ít quảng bá nhưng thực tế sau hơn 40 năm, Trung Quốc đã tiến những bước dài so với thế giới: Hiện đại hóa ngành Công an, An ninh, Tình báo.
Cuối năm 1978, Trung Quốc chính thức phát động 4 hiện đại hóa nổi tiếng. Quá trình cải cách và mở cửa ở Trung Quốc đã thu được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Tuy nhiên tình hình an ninh, trật tự của Trung Quốc cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Nếu như trước cải cách, hàng năm chỉ có khoảng 5.000 người nước ngoài vào Trung Quốc thì sau năm 1978 số lượng người nước ngoài vào Trung Quốc lên tới hàng triệu người, năm cao nhất lên tới hàng chục triệu người. Nhiều băng nhóm tội phạm quốc tế như Hội Tam hoàng, các băng nhóm tội phạm gốc châu Á, gốc Hoa đã vào Trung Quốc. Các hoạt động tình báo, gián điệp của các nước với Trung Quốc tăng mạnh, nhất là ở các đặc khu kinh tế, các vùng kinh tế mở, các đô thị lớn. Với việc thành lập nhiều đặc khu kinh tế, nhiều nhà máy, công xưởng, hàng trăm triệu thanh niên trẻ nông thôn đã “ly hương” đến làm việc tại các vùng kinh tế mới. Việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu giấy đã không theo kịp sự biến động dân cư trong tình hình mới. Nhiều giáo phái mới xuất hiện, điển hình là giáo phái Pháp luân công tuyên truyền nhiều vấn đề trái với luân thường đạo lý và đường lối chính sách cải cách, mở cửa. Tình hình tội phạm trong nước cũng diễn biến phức tạp theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều loại tội phạm mới xuất hiện ở Trung Quôc.
Trong khi các ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự, công nghiệp, nông nghiệp được hiện đại hóa mạnh mẽ thì ngành Công an Trung Quốc một mặt đang đứng trước các nguy cơ tụt hậu, mặt khác luôn phải đối diện với những yêu cầu mới về tăng cường công tác bảo vệ bí mật quốc gia, đấu tranh với các hoạt động tình báo, gián điệp và các hoạt động tội phạm nhằm tạo sự ổn định chính trị – xã hội để chấn hưng nền kinh tế.
Sau hơn 30 năm thành lập (1949-1978), Công an Trung Quốc hầu như đứng biệt lập với thế giới: về tổ chức bị ảnh hưởng nặng theo mô hình quân sự; quân phục không đẹp và nhìn người cán bộ công an thiếu sự chính quy; trình độ pháp luật quốc tế và ngoại ngữ của cán bộ công an Trung Quốc hạn chế. Hệ thống tổ chức Công an Trung Quốc chưa khoa học, bộ máy cồng kềnh, không phân tách được các chức năng quản lý nhà nuớc và chức năng tác chiến cụ thể. Hệ thống nhà trường nặng về dạy lý luận, ít thực hành. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới tổ chức hai hệ thống Cảnh sát và Tình báo độc lập thì tổ chức Công an Trung Quốc quá tải trong điều kiện cải cách và mở cửa.
Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã rất nhanh nhận ra khiếm khuyết này trong đường lối hiện đại hóa của mình. “Cuộc hiện đại hóa thứ 5” như các nhà báo nước ngoài vẫn thường gọi đã ra đời ở Trung Quốc. Ngành Công an Trung Quốc bắt đầu cuộc cải cách, hiện đại hóa của mình từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX với tư tưởng chủ đạo “Quân đội là Quân đội, Công an là Công an, Nhân dân là Nhân dân”.
Điểm đột phá hiện đại hóa đầu tiên của ngành Công an Trung Quốc là tổ chức lại hệ thống Công an Trung Quốc theo mô hình chung của thế giới. Tháng 6/1982, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc nước CHND Trung Hoa thông qua việc thành lập Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc (中华人民共和国国家安全部, Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc Quốc gia An ninh Bộ). Ngày 1/7/1983, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động và đảm nhiệm toàn bộ các công tác tình báo chiến lược, bảo vệ an ninh đối ngoại bên ngoài biên giới quốc gia. Thực chất đây là Cơ quan Tình báo quốc gia của nước CHND Trung Hoa. Với chính sách “giấu mình chờ thời” Chủ tịch Đặng Tiểu Bình và Chính phủ Trung Quốc đã dùng tên Bộ An ninh quốc gia để đặt tên cho Cơ quan Tình báo quốc gia của nước mình. Để kế thừa truyền thống, Chính phủ Trung quốc không dùng tên “Cơ quan Cảnh sát quốc gia “ để đặt tên cho cơ quan An ninh nội địa mà vẫn dùng tên “Bộ Công an – 中华人民共和国公安部, Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa Quốc Công an Bộ” truyền thống đã có từ năm 1949. Bộ Công an đảm nhiệm toàn bộ công tác an ninh, trật tự trong nước, kể cả công tác biên phòng. Chính phủ Trung Quốc cũng thành lập Tổng bộ Cảnh sát vũ trang (中國人民武裝警察部隊, ở Trung Quốc hay gọi tắt thành Vũ cảnh (武警, Wǔjǐng))trực thuộc Quốc vụ viện và do Bộ trưởng Bộ Công an kiêm chức Chính ủy.
Nếu như trước đây ngành Công an Trung Quốc tổ chức theo cấp bậc hàm cấp sĩ, cấp úy, cấp tá, cấp tướng giống như bộ máy quân sự thì từ năm 1982 Trung Quốc đã chính thức bãi bỏ các cấp hàm này. Các cấp hàm của cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia tổ chức theo hệ thống cấp hàm Cảnh sát của thế giới. Hệ thống cấp bậc hàm của Công an, Cảnh sát Trung Quốc bao gồm: chiến sĩ (constabie) bậc 1, 2; thanh tra sơ cấp (superintendent) bậc 1, 2, 3; thanh tra trung cấp (supervisor) bậc 1, 2, 3; tư lệnh (commissioner) bậc 1, 2, 3. Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng An ninh quốc gia có cấp hàm Tổng Tư lệnh Công an quốc gia (Commissioner General), Thứ trưởng có cấp hàm Phó Tổng Tư lệnh Công an quốc gia (Deputy Commissioner General). Mặc dù các lực lượng Công an, An ninh quốc gia Trung Quốc không phải là lực lượng vũ trang nhưng có thang lương cao nhất nước ngang với thợ mỏ hầm lò và thủy thủ lao động ngoài biển.

Tổ chức bộ máy Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc rất gọn nhẹ. Bộ An ninh quốc gia chỉ có 12 Cục. Cơ quan An ninh quốc gia chỉ tổ chức đến cấp tỉnh. Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Quốc vụ viện. Bộ Công an có 28 Cục, Vụ trong đó có 6 Cục Công an biệt phái sang các ngành bạn, 5 Học viện, Trường đại học, 4 Viện Nghiên cứu. Bên dưới có 31 Sở, 333 Cục Công an thành phố thuộc tỉnh, 2.861 Cục Công an cấp huyện. Điểm đặc biệt ở Trung Quốc là để không tăng biên chế của Bộ Công an và gắn kết với các ngành mà Công an có nhiệm vụ bảo vệ, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập nhiều lực lượng Công an biệt phái ở các bộ, ngành như: Cảnh sát Tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để làm nhiệm vụ quản lý và cải tạo phạm nhân, bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, chống tham nhũng; Cảnh sát Đường sắt thuộc Bộ Đường sắt; Cảnh sát Hải quan thuộc Bộ Hải quan; Cảnh sát Lâm nghiệp thuộc Bộ Lâm nghiệp; Cảnh sát Hàng không thuộc Tổng cục Hàng không; Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Giao thông, Bảo vệ Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng v.v…
Điểm đột phá thứ hai là Trung Quốc đã tách được rạch ròi các tổ chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và tác chiến trực tiếp với nguyên tắc quản lý nhà nước nổi tiếng được nhà bác học Fayon người Pháp đề ra cách đây hơn 100 năm “Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nhưng một việc phải do một bộ, một ngành đảm nhiệm là chủ yếu”. Nghiên cứu bộ máy Bộ Công an Trung Quốc sẽ thấy rõ điều này. Với hơn 1,3 tỉ dân nhưng Cục Phòng chống ma túy Bộ Công an Trung Quốc chỉ có 75 cán bộ mà đảm nhiệm toàn bộ các công tác phòng chống ma túy như phòng chống tội phạm ma túy, cai nghiện ma túy, tuyên truyền giáo dục phòng chống ma túy, đảm nhiệm chức năng Văn phòng Ủy ban Quốc gia phòng chống ma túy, triệt phá cây thuốc phiện, tình báo ma túy v.v…
Các Cục, Vụ thuộc Bộ Công an Trung Quốc không làm nhiệm vụ tác chiến mà chỉ làm quản lý nhà nước, hướng dẫn địa phương. Khi có các vụ án liên quan quốc tế và nhiều địa phương Bộ Công an thành lập các Ban chuyên án và trưng tập cán bộ giỏi ở các khu, tỉnh, thành phố về điều tra, phá án. Xong vụ án, Ban này giải tán và các cán bộ sẽ trở về các địa phương. Chính vì vậy nên mô hình tổ chức và biên chế Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia nước bạn rất gọn nhẹ và chỉ gồm các chuyên gia giỏi để điều phối, chỉ đạo địa phương.
Những năm đầu thế kỷ XXI này, bên cạnh những tội phạm truyền thống, nhiều tội phạm mới như tội phạm máy tính, tội phạm khủng bố, hối lộ, bắt cóc tống tiền, tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em xuyên quốc gia v.v… đã xuất hiện mặc dầu không nhiều như một số nước nhưng cũng là những nguy cơ mới với an ninh, trật tự nước bạn. Chính vì vậy để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ công cuộc cải cách và mở cửa, Bộ Công an Trung Quốc đã thành lập các cơ quan mới là Cục Chống ma túy, Cục Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Chống khủng bố, các đơn vị làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, các đơn vị cảnh sát gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc v.v…

Nước bạn còn cải cách đồng bộ quân phục công an, cảnh sát và các trang thiết bị phục vụ tác chiến của ngành. Một ban nghiên cứu cải cách quân phục Công an, cảnh sát đã được thành lập và cuối cùng đã đưa ra kiến nghị: học tập mô hình quân phục công an, cảnh sát nước ngoài và có cải tiến cho phù hợp với điều kiện Trung Quốc. Vì vậy sau khi Trung Quốc thay trang phục mới cho lực lượng Công an, An ninh quốc gia, Cảnh sát vũ trang, người dân rất hoan nghênh. Một bộ quân phục đẹp, tiện lợi cũng làm tăng tính uy nghiêm của người cán bộ công an, cảnh sát trong khi thi hành công vụ.
Cũng giống nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á khác, Chính phủ Trung Quốc phân cấp rất rõ. Công an trung ương chỉ tiến hành các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự có quy mô quốc gia, còn các công tác khác như bảo vệ trật tự giao thông, điều tra tội phạm… thường giao cho Công an địa phương, cơ sở giải quyết hoàn toàn. Trưởng Đồn Công an cơ sở có toàn quyền giải quyết các tội phạm, vi phạm pháp luật thuộc địa bàn mình phụ trách.
Bước sang thế kỷ 21 Trung Quốc vẫn đang tiếp tục cải cách, hiện địa hóa ngành Công an, trong đó tập trung vào cải cách, hiện đại hóa Cảnh sát vũ trang Trung Quốc và nhấn mạnh vai trò của Cảnh sát vũ trang Trung Quốc và xác định đây là lực lượng “gánh vác trọng trách lớn trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và ổn định xã hội, bảo vệ cuộc sống tốt đẹp của nhân dân”. Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (Hải cảnh) thuộc Bộ Công an trước đây biệt phái sang Cục Hải dương quốc gia nay được điều chỉnh chuyển sang Tổng bộ Cảnh sát vũ trang Trung Quốc. Sau khi cải tổ lại lực lượng Cảnh sát vũ trang Trung Quốc bao gồm lực lượng Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát cơ động và Cảnh sát biển. Cải cách lực lượng Cảnh sát vũ trang Trung Quốc theo hướng làm rõ chức năng của lực lượng này theo nguyên tắc “Quân đội là Quân đội, Cảnh sát là Cảnh sát, Nhân dân là Nhân dân”. Tổ chức Bộ Công an Trung Quốc, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc tiếp tục được tinh gọn lại theo hướng “tinh, gọn, mạnh”.
Trung Quốc còn đặc biệt quan tâm tới cải cách chế độ tuyển dụng cán bộ Công an và cải cách, hiện đại hóa các nhà trường thuộc Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia, Tổng bộ Cảnh sát vũ trang Trung Quốc.
Các Nhà trường Công an Trung Quốc ngoài đào tạo bậc sơ học, trung học, đại học, sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), còn đào tạo cán bộ sĩ quan lãnh đạo, chỉ huy. Ngành Công an Trung Quốc bắt buộc toàn bộ các sĩ quan chỉ huy chỉ được bổ nhiệm sau khi vào học và tốt nghiệp các khóa bồi dưỡng chỉ huy – tham mưu tại các nhà trường Công an.Về thời gian đào tạo, Trung Quốc áp dụng thời gian đào tạo theo mô hình thế giới 4+2+3 (đại học 4 năm, thạc sĩ 2 năm, tiến sĩ 3 năm). Đứng hàng đầu hiện nay trong hệ thống các nhà trường Công an Trung Quốc là Đại học CAND Trung Quốc.
Điểm nổi bật là diện tích các nhà trường Công an Trung Quốc đều rất rộng như Đại học CAND Trung Quốc rộng 350 ha ở Bắc Kinh với 2 cơ sở; Học viện Cảnh sát Chiết Giang rộng 65ha, Trường đại học Cảnh sát Thượng Hải rộng 70ha. Các trường CAND Trung Quốc đều có khu thực hành rộng 15-20ha xây các mô hình: các đường phố, ga tàu hỏa, ga xe điện ngầm, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, quán karaoke, vũ trường, chùa, nhà thờ, nhà máy, v.v… để học viên Công an thực tập các phương án thực tế. Có thể nói ở ngoài thực tiễn có gì thì trong nhà trường Công an có mô hình đó mà phần lớn là giống 100% ngoài thực tiễn. Ngoài ra là các khu thư viện, quảng trường, khu làm việc của cán bộ, khoa học tập và luyện tập thể thao, võ thuật, trường bắn, ký túc xá của sinh viên. Bình quân mỗi trường CAND Trung Quốc có từ 3-7 sân vận động lớn và hàng chục sân thể thao các loại. Các trường CAND Trung Quốc đều có các trường bắn hiện đại và thực hành bắn qua mô hình di động, xây các mô hình nhà cao tầng hoặc các chướng ngại vật cao tầng để sinh viên luyện tập, vượt chướng ngại vật. Như Đại học Cảnh sát Chiết Giang có 7 sân tập luyện, 33 phòng thí nghiệm nghiên cứu, thư viện có 700.000 tài liệu (trong đó có 400.000 tài liệu in). Hầu hết các nhà khoa học giỏi nhất Trung Quốc đều được mời giảng dạy tại các trường Công an.Với sự đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên này, nên hệ thống các nhà trường Công an Trung Quốc hiện được đánh giá vào tốp những học viện, nhà trường Công an, cảnh sát hàng đầu của thế giới. Sinh viên sau khi học tập ra trường nắm bắt rất nhanh thực tiễn và góp phần quan trọng trong công cuộc cải cách, mở cửa, hiện đại hóa đất nước Trung Quốc.

Trung Quốc tham gia Interpol từ đầu những năm cải cách, mở cửa và đã đăng cai Hội nghị Đại hội đồng Interpol vào năm 1999 và đã có cán bộ Công an Trung Quốc làm Chủ tịch Interpol. Nếu như trước đây Cảnh sát Trung Quốc thu thập thông tin chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với nhân dân thì ngày nay liên lạc chủ yếu qua hệ điện thoại tự động 113. Các Trung tâm Cảnh sát 113 của nước bạn được thành lập đến tận đồn cảnh sát và được nối mạng toàn quốc. Trong suốt 24 giờ người dân Trung Quốc và khách nước ngoài đều có thể gọi báo tin về tội phạm đến số điện thoại miễn phí này.
Trung Quốc đã triển khai thành công Chương trình quản lý theo mạng lưới và giám sát xã hội dựa trên công nghệ. Chương trình giám sát và quản lý xã hội dựa trên công nghệ đã được nhà nghiên cứu người Đức Sebastian Heilmann gọi là “ chủ nghĩa Lênin kỹ thuật số”. Hàng trăm triệu camera quan sát trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã được triển khai khắp nơi. Cảnh sát làm việc ngoài xã hội được trang bị kính nhận dạng khuôn mặt. Chương trình “ thành phố an toàn” do Công ty Huawei đầu tư đã được tiến hành ở hơn 100 thành phố Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã và đang triển khai rộng rãi Chương trình quản lý xã hội theo mạng lưới bằng cách chia quận, huyện thành các đơn vị như tổ, cụm để quản lý và được thí điểm thành công ở quận Đông Thành, Thành phố Bắc Kinh giai đoạn 2004-2007. Đến nay đã có 168/332 thành phố cấp tỉnh của Trung Quốc tiến hành biện pháp quản lý theo mạng lưới để quản lý và kiểm soát xã hội. Hai Sở Kỹ thuật hình sự số 1 và số 2 Bắc Kinh của Bộ Công an Trung Quốc hiện nay có nhiều lĩnh vực Kỹ thuật hình sự được đánh giá có trình độ hàng đầu thế giới.
Do công tác điều khiển giao thông, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, hệ thống camera giám sát (CCTV) rộng khắp và được kỹ thuật hóa cao nên đã hạn chế tối đa số cán bộ Công an làm việc ngoài đường phố.
Có lợi thế là ngành công nghiệp nội địa của Trung Quốc đã sản xuất được ôtô, máy tính, điện thoại di động và hầu hết các trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, khí tài tác chiến, kể cả máy bay trực thăng, tàu tuần tra biển nên trang bị của Cảnh sát Trung Quốc rất tốt. Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia, Tổng bộ Cảnh sát vũ trang Trung Quốc đã được trang bị hơn 300 máy bay, 5000 tàu tuần tra, hơn 5000 ngựa Cảnh sát và hàng chục triệu ô tô các loại để phục vụ công tác.
2. Hiện đại hóa Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan
Giống như nhiều nước trên thế giới, ở Thái Lan Chính phủ Hoàng gia đã thành lập hai Cơ quan bảo vệ pháp luật cấp Bộ trực thuộc Chính phủ: Cơ quan Tình báo Hoàng gia để làm nhiệm vụ Tình báo quốc gia và Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội địa.
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (The Royal Thai Police (RTP); ตำรวจแห่งชาติ – Tamruat Haeng Chat) được thành lập từ năm 1455, thời nhà vua Rma IV với sự cố vấn của Đại úy người Anh Joseph Byrd Ames. Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan trước đây trực thuộc Bộ Nội vụ như nhiều nước ASEAN nhưng cuối những năm 1990 đã tách ra trực thuộc Chính phủ. RTP có 230.000 sỹ quan và 210.700 nhân viên Cảnh sát.
Mặc dầu ra đời rất sớm nhưng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan trong nhiều thế kỷ luôn được xếp vào các cơ quan Công an, cảnh sát lạc hậu của thế giới. RTR chỉ thực sự có bước phát triển mạnh từ đầu những năm 1980 thế kỷ XX cùng với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và cuộc cải cách và hiện đại hóa ngành Cảnh sát.
Cải cách và hiện đại hóa đầu tiên của RTR là Thái Lan tổ chức lại các cấp Cảnh sát.Thái Lan tổ chức ngành Cảnh sát thành 5 cấp: Ở Trung ương là Cơ quan cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; cấp Quân khu Cảnh sát: có 9 Quân khu cảnh sát; Cảnh sát Hoàng gia tỉnh (thành phố):77 (kể cả Thủ đô Băng Koc); Cảnh sát Hoàng gia huyện: 796 huyện; Đồn, Trạm Cảnh sát Hoàng gia. Tương ứng với mỗi cấp có 01 tổ chức Công an, Cảnh sát với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Ngoài ra trực thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan còn có các Học viện, nhà trường Cảnh sát.
Cơ cấu Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan rất ít phụ thuộc vào chính quyền địa phương và chịu sự chỉ đạo của Tổng Tư lệnh Cảnh sát quốc gia và Tư lệnh các Quân khu Cảnh sát. Nền hành chính Thái Lan phân chia đất nước thành 9 khu vực: Quân đội và Cảnh sát Hoàng gia được tổ chức thành 9 Quân khu; Tòa án và Cơ quan Công tố tổ chức thành Cơ quan Tòa án và Công tố 9 khu vực; Cơ quan phòng, chống ma túy cũng tổ chức thành 9 khu vực: QK1: Ayuthaya; QK2 Chonburi; QK3 Nakhon Ratchasima; QK4 Khon Kaen; QK5 Chiang Mai; QK6 Phitsanulok; QK7 Nakhon Pathom; QK8 Phuket; QK9 Songkhla.
Cũng giống như nhiều nước Châu Âu, châu Mỹ, châu Á khác, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan phân cấp rất rõ. Cảnh sát trung ương và Cảnh sát quân khu chỉ tiến hành các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự có quy mô quốc gia, khu vực; còn các công tác khác như bảo vệ trật tự an toàn giao thông, điều tra tội phạm thường giao cho Cảnh sát địa phương. Cấp cơ sở thấp nhất của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan là Đồn Cảnh sát. Đồn Cảnh sát được thành lập ở đô thị và nông thôn. Đồn có biên chế khoảng 500-600 cán bộ và có thẩm quyền pháp lý rất cao tương tự như Công an cấp huyện ở Việt Nam. Ngay từ năm 1455 Chính phủ Thái Lan đã bố trí Cảnh sát chính quy làm việc tại địa bàn nông thôn.
Về thế trận an ninh, Chính phủ Thái Lan giao cho Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đảm nhiệm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự “khép kín” từ biên giới quốc gia tới nội địa, trên biển và trên không gian mạng. Tương ứng với các nhiệm vụ này Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan được tổ chức thành 04 khối: Cảnh sát biên phòng và Cảnh sát di trú đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực biên giới quốc gia, các cửa khẩu quốc tế; các lực lượng Cảnh sát Hoàng gia bảo vệ an ninh, trật tự ở trong nội địa; Cảnh sát biển bảo vệ an ninh, trật tự trên biển; Cảnh sát mạng bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng quốc gia.Với tổ chức “khép kín” khoa học này, Thái Lan không cần nhiều Quy chế phối hợp giữa các ban ngành, lực lượng trong bảo vệ an ninh đất nước, vì toàn bộ các hoạt động bảo vệ an ninh của Thái Lan từ bên ngoài bên giới quốc gia, tại biên giới quốc gia, bên trong nội địa và trên không gian mạng đều do Tổng Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan chỉ đạo và điều hành.
Do tình hình an ninh trật tự thế giới và của Thái Lan ngày càng xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức mới nên Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã thành lập nhiều lực lượng mới tinh nhuệ như Cảnh sát phòng, chống khủng bố; Cảnh sát đặc nhiệm; Cảnh sát mạng; Cảnh sát bảo vệ tài nguyên, môi trường; Cảnh sát du lịch,v.v..Mô hình Cảnh sát du lịch Thái Lan đã được nhiều nước Châu Á như Lào, Cămpuchia, Singapore, Malaysia,v.v.nghiên cứu học tập. Vào năm 2019 trước đại dịch Covid-19 Thái Lan đón 20 triệu khách du lịch nước ngoài. Với quân số 2000 cán bộ, chiến sỹ và 70 xe ô tô, Cảnh sát du lịch Thái Lan có mặt ở tất cả các địa bàn du lịch đảm bảo sự thanh bình cho môi trường du lịch của nước bạn.
Thái Lan xác định cải cách trong tuyển dụng, đào tạo cán bộ là một trong những nhiệm vụ trung tâm của cải cách, hiện đại hóa Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan.

Học viện Cảnh sát Hoàng Thái Thái Lan (โรงเรียนนายร้อยตำรวจ – Royal Thai Police Cadet Academy) là một trung tâm đào tạo lớn của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Học viện đóng quân ở 790 Sam Phran, quận Sam Phran, tỉnh Nakhon Pathom 73110, Thailand. Nước bạn có gần 70 triệu dân, nhưng cả nước chỉ có một Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan với khoảng 2000 học viên các hệ và mỗi năm chỉ tuyển 400 học viên đại học. Học viện bạn bằng 7 Trường nước ta cộng lại: Học viện CSND, Học viện ANND, Trường Đại học ANND, Trường Đại học CSND, Trường Đại học PCCC, Học viện Biên phòng, Trung tâm đào tạo Cảnh sát biển. Chính vì vậy nên nước bạn có điều kiện tập trung nguồn nhân lực, vật lực cho công tác đào tạo cán bộ Cảnh sát.
Do phải phòng ngừa, ứng phó với nhiều nguy cơ, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong những năm gần đây ngoài tuyển học sinh tốt nghiệp vào trường Cảnh sát, nước bạn còn tuyển dụng nhiều cán bộ đã tốt nghiệp các ngành đại học vào phục vụ, làm việc trong các lĩnh vực như phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; bảo vệ môi trường; an ninh ngân hàng – tài chính; kỹ thuật hình sự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn,v.v… trong Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan.

Thái Lan có phương thức tuyển sinh cảnh sát rất đặc biệt: mỗi năm Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan tuyển sinh 400 chỉ tiêu. Nhà trường tổ chức thi văn hóa và chọn lấy 800 em điểm cao. Sau đó sẽ thi 5 môn: nhảy cao, nhảy xa, chạy 1500 mét, co xà đơn, võ Mua Thái để chọn ra những thí sinh đã đạt tiêu chuẩn văn hóa và đủ sức khỏe để học tập. Từ 800 em đủ tiêu chuẩn học lực, qua sàng lọc thể lực và thể thao để chọn ra 400 em học viên chính thức. Trước năm 2007 Học viện bạn không tuyển học viên nữ. Năm 2007 khi sang thăm Học viện CSND Việt Nam, thấy Việt Nam tuyển học viên nữ, Trung tướng Amarrin Akaravong, Giám đốc Học viện đã quyết định tuyển học viên nữ. Vì vậy từ 2008 đến nay mỗi năm nước bạn tuyển sinh 60-70 học viên nữ vào trường Cảnh sát.
Chương trình đào tạo đại học cảnh sát nước bạn cấp hai bằng: các học viên học các chuyên ngành phòng, chống tội phạm được cấp bằng cử nhân luật; các học viên học về Biên phòng, Cảnh sát biển, xuất nhập cảnh, quản lý hành chính,v.v.được cấp bằng cử nhân Hành chính học. Chương trình đào tạo của bạn đặc biệt coi trọng việc thực hiện các phương án tác chiến, rèn luyện các kỹ năng Cảnh sát. Mỗi tuần học viên được bắn 30 viên đạn. Vì vậy khi ra trường, học viên bắn súng rất giỏi. Các học viên của Học viện CSND Việt Nam gửi học tại tại Học viện bạn thường thi bắn súng đạt 360/400 điểm. Nếu bịt mắt các em vẫn có thể bắn súng đạt 8, 9, 10 điểm. Các em học viên được học cả môn nhảy dù từ máy bay trực thăng và nhiều môn học tác chiến hiện đại khác.
Để chính quy hóa, hiện đại hóa lực lượng, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã thiết kế một hệ thống quân Cảnh sát phục đẹp, uy nghiêm và đặc biệt trông rất khỏe mạnh. Quân phục Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan được may bằng vải “là chết ly” nên dù làm việc ngoài thực địa hay ở văn phòng, quân phục đều trông như mới được giặt là. Vì vậy người dân Thái Lan rất có cảm tình với ăn mặc, tư thế, tác phong của Cảnh sát nước mình.
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan sử dụng hệ thống cấp hàm song trùng cấp hàm quân sự và cấp hàm Cảnh sát và có 11 cấp. Điều này vừa tạo điều kiện để Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan phù hợp với tổ chức, cấp hàm của lực lượng vũ trang, đồng thời cũng mang đặc thù Cảnh sát là một cơ quan hành chính – tư pháp. Hệ thống cấp hàm Cảnh sát Thái Lan bao gồm: พลตำรวจเอก- Police General- Phon Tam Ruad Ek- General Commissioner; พลตำรวจโท –Phon Tam Ruad Tho – Police Lieutenant General – Deputy General Commissioner; พลตำรวจตรี – Phon Tam Ruad Tri – Police Major General – Assistant Commissiner; พลตำรวจจัตวา – Phon Tam Ruad Jattawa- Police Senior Colonel – Brigadier Commander ; พันตำรวจเอก – Phan Tam Ruad Ex – Police Colonel – Chief Superintendent; พันตำรวจโท – Phan Tam Ruad Tho – Police Lieutenant Colonel – Divisional Superintendent ; พันตำรวจตรี – Phan Tam Ruad Tri – Police Major – Superintendent; ร้อยตำรวจเอก – Roi Tam Ruad Ex – Police Captain – Chief Inspector; ร้อยตำรวจโท – Roi Tam Ruad Tho – Police Lieutenant – Inspector; ร้อยตำรวจตรี – Roi Tam Ruad Tri – Police Sub Lieutenant – Subdivisional Inspecto; นักเรียนนายร้อยตำรวจ- Nak Rian Nai Roi Tam Ruad – Police Cadet Office – Officer Cadet.

Chính phủ Thái Lan đã đầu tư, trang bị nhiều phương tiện hiện đại cho Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Trong khu vực ASEAN, cùng với Indonesia, Cảnh sát Thái Lan đã được đầu tư một biên đội không quân Cảnh sát hiện đại. Tính đến năm 2021 Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan có 72 máy bay các loại, gồm: 01 máy bay Dassault Falcon 2000S; 01 máy bay Fokker 50; 02 máy bay Casa CN – 235 – 200 M; 02 máy bay Airbus Helicopters H175; 05 máy bay Eurocopter EC155B-1 Helicopters; 02 máy bay Eurocopter AS365N3+ Dauphin Helicopters; 09 máy bay Bell 412 Helicopters; 15 máy bay Bell 212 Helicopters; 26 máy bay Bell 205 Helicopters; 16 máy bay Bell 206 Helicopters; 16 máy bay Bell 429 Helicopters. Có những loại máy bay như Dassaul Falcon 2000 S trị giá 135 triệu USD. Máy bay của Không quân Cảnh sát Thái Lan được sử dụng trong tuần tra giao thông; tuần tra, kiểm soát biên giới; tuần tra, kiểm soát trên biển; phòng, chống biểu tình, bạo loạn; phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn; phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan còn được trang bị hơn 500 tàu tuần tra sông, biển hiện đại; hơn 30.000 xe ô tô Cảnh sát thế hệ mới, hàng nghìn ngựa tuần tra biên giới và bảo vệ trật tự công cộng ở các đô thị.
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan rất quan tâm tới trang bị súng cho các đơn vị Cảnh sát. Súng của Cảnh sát Thái Lan được mua từ nhiều nguồn khác nhau: Mỹ , CHLB Đức, Croatia, Séc, Italy, Bỉ, Áo, Israel. Tháng 12 năm 2017 Thái Lan đã trang bị 150.000 súng SIG Sauer P320SP cho các đơn vị. Mỗi súng loại này giá 23.890 bạt. Có 55.000 súng lục mới được trang bị cho các Đồn Cảnh sát theo phân bổ mỗi Đồn được trang bị 60 súng lục mới. Gần đây Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã mua bản quyền của Mỹ sản xuất súng ngắn bán tự động M 1911 để cung cấp cho lực lượng.
3- Cải cách và hiện đại hóa Cảnh sát quốc gia Campuchia.
Lịch sử Cảnh sát quốc gia Campuchia (អគ្គស្នងការដ្ឋាននគរបាលជាតិ – General Commissariat of National Police) khá thăng trầm qua các giai đoạn lịch sử đất nước.Mặc dù ra đời từ năm 1863 trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Cămpuchia, tuy nhiên Cảnh sát quốc gia Cămpuchia thực sự hoạt động độc lập từ năm 1979. Lực lượng Cảnh sát Nhân dân Campuchia ra đời ngay sau khi nhân dân Campuchia dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng nước này (CPRP) cùng với sự giúp đỡ của bộ đội tình nguyện Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo Pôn Pốt ngày 7/1/1979 lập nên nước Cộng hòa Campuchia.
Từ ban đầu năm 1979 vỏn vẹn có 45 cán bộ, chiến sỹ ở cấp bộ và 10 người ở cấp thành phố, vũ khí trang bị vô cùng nghèo nàn, đến năm 1986 lực lượng Cảnh sát nhân dân Campuchia đã có hơn 36.000 sĩ quan và nhân viên.
Lực lượng Cảnh sát nhân dân Campuchia đã có những đóng góp hết sức to lớn vào sự nghiệp giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, ngăn chặn tàn quân Khơ me đỏ và thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc. Trong thời gian bắt đầu thực thi Hiệp định hòa bình Pari về Campuchia (ký 23/10/1991) Cảnh sát nhân dân Campuchia đã đổi tên thành Cảnh sát quốc gia Campuchia và đã góp phần quan trọng vào thành tựu của nhà nước Campuchia trên tiến trình thống nhất và hòa giải dân tộc, xây dựng xã hội đa nguyên và dân chủ.
Từ năm 1990 với sự cố vấn của UNTAC (Cơ quan kiểm soát, quản lý lâm thời Liên hợp quốc) và các chuyên gia quốc tế, Cămpuchia đã cải cách ngành Công an, Cảnh sát và chịu nhiều ảnh hưởng của mô hình quản trị quốc gia và mô hình Cảnh sát quốc gia Pháp. Lực lượng Cảnh sát quốc gia Campuchia được đặt trong hệ thống Bộ Nội vụ. Hệ thống quân phục ảnh hưởng nhiều quân phục Cảnh sát Pháp. Cămpuchia cũng áp dụng hệ thống cấp hàm song trùng: cấp hàm quân sự của lực lượng vũ trang và cấp hàm Cảnh sát. Đứng đầu lực lượng Cảnh sát quốc gia Cămpuchia hiện nay là Thống tướng Neth Savoeun, Tổng tư lệnh Cảnh sát quốc gia Cămpuchia (Commissioner General of Police). Đứng đầu Cảnh sát quốc gia tỉnh là Tư lệnh Cảnh sát quốc gia (Commissioner) tỉnh thường mang cấp hàm Trung tướng hoặc Thiếu tướng.

Lực lượng Cảnh sát quốc gia Cămpuchia được bố trí ở 03 Tổng cục thuộc Bộ Nội vụ: Tổng cục Cảnh sát quốc gia với 6 Cục trung tâm: Cục Trung tâm An ninh; Cục Trung tâm Cảnh sát giao thông; Cục Trung tâm Cảnh sát bảo vệ trật tự công cộng; Cục Trung tâm Cảnh sát biên phòng; Cục trung tâm văn phòng – hành chính; Cục Trung tâm Cảnh sát tư pháp; Tổng cục Di trú gồm các lực lượng Cảnh sát biên phòng để kiểm soát các cửa khẩu quốc tế, quốc gia; Cảnh sát quản lý hành chính về trậ tự xã hội để quản lý dân cư trong nước và người nước ngoài; Tổng cục Trại giam để quản lý các Trại giam.
Từ năm 1990 Cảnh sát quốc gia Cămpuchia đã bố trí Cảnh sát chính quy tại địa bàn nông thôn. Học tập mô hình của Cộng hòa Pháp, nước bạn cũng thành lập lực lượng Hiến binh hoạt động ở nông thôn. Lực lượng này tương tự như dân quân, du lích của Việt Nam ở nông thôn.
Cămpuchia tổ chức hai lực lượng Biên phòng là Cảnh sát biên phòng và Bộ đội Biên phòng: Cảnh sát biên phòng thuộc Bộ Nội vụ (Cảnh sát quốc gia) làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng (các Quân khu) làm nhiệm vụ phòng thủ, chống ngoại xâm ở khu vực biên giới.


Ở Campuchia Cảnh sát du lịch được thành lập và bố trí ở tất cả các địa bàn du lịch. Campuchia có dân số 16.978.758 người vào tháng 7 năm 2021. Do an ninh du lịch tốt nên trước giai đoạn Covid – 19 hàng năm nước bạn đón 6,5-7 triệu khách du lịch đến thăm và đạt doanh thu 4,5-5 tỷ USD cho ngành “công nghiệp không khói” này.

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát Campuchia đã trở thành đội ngũ hùng hậu với 64.000 sĩ quan và nhân viên được đào tạo và trang bị tốt và có trình độ nghiệp vụ ngày càng được nâng cao về chất lượng. Dưới sự lãnh đạo của Thống tướng Neth Savoeun, Tổng Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quốc gia, Cảnh sát quốc gia Campuchia đang thực thi hiệu quả nhiệm vụ giữ gìn an ninh và trật tự xã hội, chống khủng bố, chống tội phạm ma túy và tệ mua bán phụ nữ và trẻ em, tạo môi trường hòa bình cho sự phát triển của đất nước.
Mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng trong những năm gần đây Cảnh sát quốc gia Cămpuchia đã đầu tư trang bị nhiều trang thiết bị, khí tài hiện đại cho các đơn vị Cảnh sát quốc gia, nhất là các đơn vị chống khủng bố, Cảnh sát đặc nhiệm. Quân phục Cảnh sát quốc gia Campuchia được đánh giá là một trong những quân phục đẹp, chính quy hàng đầu thế giới. Từ năm 1990 Cảnh sát quốc gia Cămpuchia đã bắt đầu trang bị máy bay trực thăng.
4- Cải cách, hiện đại hóa Công an nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới
Sau 76 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đánh giá theo mô hình SWOT (Strengths: Điểm mạnh; Weaknesses: Điểm yếu; Opportunities: Cơ hội; Threats: Thách thức), chúng ta càng thấy rõ hơn về những điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức đối với Công an nhân dân Việt Nam. Về điểm mạnh của CAND Việt Nam: Trước hết là thành tựu về “đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội” có vai trò đặc biệt quan trọng của CAND Việt Nam; Lực lượng CAND đã được đầu tư, xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Mô hình CANDVN ngày càng hoàn thiện, có nhiều ưu việt, ngày càng gần dân hơn theo hướng “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, hiệu quả cao”.
Trong ba năm qua dư luận đặc biệt quan tâm tới cuộc cải cách chính trị, cải cách hành chính lực lượng Công an nhân dân do Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an đề xuất tiến hành. Bộ Công an đã giải thể 6 Tổng cục, giảm gần 60 Cục trong cơ quan Bộ, giải thể 20 Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh. Hàng nghìn đơn vị cấp Phòng, Đội được thu gọn từ Trung ương và địa phương. Cán bộ, nhân dân cả nước đều đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao bản lĩnh chính trị, quyết tâm cao của lãnh đạo Ngành Công an. Bài học rút ra ở đây là nếu lãnh đạo công tác chính trị tốt, lãnh đạo, chỉ huy có bản lĩnh, chọn đột phá đúng, thì mọi việc dù khó đều được thực hiện thành công.
Tuy nhiên cuộc cải cách ngành Công an mới chỉ trong phạm vi lực lượng Công an nhân dân. Bộ Công an chưa tiếp nhận thêm chức năng nào và cũng chưa chuyển bất cứ chức năng nào hiện nay cho các ngành bạn.Mô hình tổ chức an ninh, trật tự ở Việt Nam còn rất nhiều việc phải nghiên cứu, giải quyết. Trong khi kẻ địch và tội phạm không bị chia cắt địa bàn hoạt động thì cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở nước ta lại bị chia cắt địa bàn. Một việc đáng lẽ chỉ 01 cơ quan làm thì đang chia ra nhiều cơ quan đảm nhận. Bộ Công an hiện nay mới chỉ đảm nhiệm phần lớn công tác Công an tại nội địa. Nhiều công tác Công an đang được giao cho nhiều Bộ, ngành thực hiện hoặc tham gia thực hiện như: bảo vệ an ninh biên giới, an ninh biển, cơ yếu, cứu hộ, cứu nạn; an ninh hàng không; điều tra hình sự; phòng, chống ma túy; phòng, chống buôn lậu; vệ sinh an toàn thực phẩm giao, v.v…Việc chia cắt như vậy đã làm tăng biên chế cán bộ nhà nước và giảm hiệu lực đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Mặc dầu đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư nhưng trang thiết bị, vũ khí, khí tài của CANDVN còn khá khiêm tốn, còn tụt hậu so với nhiều nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philipin.
Để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu Xây dựng CANDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đến năm 2025 xây dựng CANDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hiện đại hóa một số lực lượng. Đến năm 2030 xây dựng CANDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Chúng ta cần hướng tới mục tiêu đến năm 2045 xây dựng CANDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tiên tiến.
Cải cách, hiện đại hóa CANDVN là một quá trình và cần nhiều giải pháp đồng bộ:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy Bộ Công an theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “thiết lập thế trận an ninh liên hoàn bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng “ (Văn kiện Đại hội XIII, tập 1, tr.280). Thế trận an ninh quốc gia Việt Nam cần phải được thiết lập xuyên suốt, không chia cắt từ bên ngoài biên giới quốc gia – tại biên giới quốc gia – trong nội địa –trên biển – trên không gian mạng.
Thứ hai, phân tách chức năng Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và chức năng chiến đấu trực tiếp theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Bộ Công an chủ yếu làm Quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Trong giai đoạn trước mắt Bộ Công an trực tiếp đấu tranh đối với một số tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm nhưng về lâu dài các nhiệm vụ này chuyển giao cho Công an địa phương; Tỉnh mạnh: Công an cấp Tỉnh vừa làm Quản lý nhà nước về an ninh trật tự và trực tiếp chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự; Huyện toàn diện: Công an cấp huyện chủ yếu làm chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự, đồng thời Quản lý nhà nước về an ninh trật tự; xã bám cơ sở: Công an cấp xã làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự.
Chuyên nghiệp hóa lực lượng CANDVN. Nghiên cứu, thành lập, triển khai mới một số lực lượng như An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát du lịch; Cảnh sát đô thị; Cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; kỹ thuật hóa và tin học hóa lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, An ninh xuất nhập cảnh, Cảnh sát giao thông; củng cố các lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự bán chuyên trách ở cơ sở,v.v..
Thứ ba, Đổi mới phương thức tuyển dụng cán bộ Công an theo hướng cân bằng việc tuyển học sinh phổ thông vào học Trường Công an ở một số lĩnh vực Công an truyền thống (như An ninh chính trị nội bộ, Cảnh sát hình sự, v.v…) và tuyển cán bộ đã tốt nghiệp đại học bên ngoài vào học thêm bằng thứ hai tại Trường Công an để bổ sung cho các lực lượng Công an sử dụng nhiều kiến thức khoa học công nghệ như An ninh phi truyền thống, An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, An ninh tài chính, Kỹ thuật hình sự, Kỹ thuật nghiệp vụ, Bảo vệ kinh tế, Cảnh sát môi trường,v.v..
Về biên chế phấn đấu có biên chế Công an theo tỷ lệ dân 500 dân/01 Công an ở mức trung bình của thế giới.
Đầu tư xây dựng một số Nhà trường Công an trọng điểm có khuôn viên rộng từ 100 ha trở lên có đầy đủ các khu huấn luyện thực hành và các công trình, trang thiết bị dạy học hiện đại của một nhà trường Công an thông minh. Tiến tới năm 2030 Việt Nam có nhà trường Công an thuộc nhóm đầu Đông Nam Á.
Thứ tư, Ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng như Tình báo, An ninh, Cảnh sát cơ động, các lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ, Kỹ thuật hình sự, Cảnh sát giao thông, An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao,v.v… với các Đề án .Phấn đấu đến năm 2030 CANDVN có một biên đội bay 50 máy bay trực thăng thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động đóng quân ở các miền đất nước. CATP Hà Nội, CATP Hồ Chí Minh mỗi thành phố có 01 biên đội 10 máy bay trực thăng. Chỉ tiêu này mới bằng chỉ tiêu máy bay của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan năm 2000. Đồng thời đề nghị Nhà nước đầu tư trang bị cho Công an cấp huyện, công an phường, xã theo hướng đến năm 2025 mỗi Công an phường được trang bị từ 3-5 ô tô tuần tra và 01 trung tâm chỉ huy và các phương tiện vũ khí, khí tài khác; mỗi Công an xã được trong bị từ 01-02 ô tô, nhiều xe máy. Công an xã miền núi, biên giới được trang bị ngựa Cảnh sát.
Củng số hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia; thiết lập các hệ thống camera giám sát an ninh CCTV và xây dựng hệ thống nhận diện khuôn mặt đảm bảo an ninh trật tự trên phạm vi toàn quốc.
Thứ năm, Xây dựng và phát triển Công nghiệp an ninh Việt Nam. Nghiên cứu kinh nghiệm của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và một số nước, mua bản quyền nước ngoài và huy động tiềm lực của một số doanh nghiệp lớn ngoài Ngành để sản xuất vũ khí, khí tài Công an ở trong nước. Trừ các thiết bị như máy bay hoặc một số trang thiết bị nghiệp vụ phức tạp phải mua của nước ngoài, CANDVN chỉ được trang bị tốt khi chúng ta tự sản xuất vũ khí, khí tài nghiệp vụ ở trong nước và tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Nghị quyết Đại hội XIII đã và đang đi vào cuộc sống, khơi dậy khát vọng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Với nội lực đã có, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm cao cuộc cải cách, hiện đại hóa CANDVN nhất định sẽ thành công.
Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm