Ngày 27 tháng 04 năm 2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị an ninh phi truyền thống (HSB, VNU) đã phối hợp với Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng an ninh phi truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh – Nhận diện và những giải pháp, khuyến nghị”. Đây là Hội thảo khoa học đầu tiên trong khuôn khổ Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Thành phố “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng, triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó với các khủng khoảng và thảm họa an ninh phi truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” do Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị an ninh phi truyền thống (HSB, VNU) chủ trì nghiên cứu.
Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, cán bộ quản lý, học viên cao học, nghiên cứu sinh.

Có 36 bài tham luận được gửi tới Hội thảo. Ngoài báo cáo đề dẫn của Đại tá PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị an ninh phi truyền thống và kết luận Hội thảo của Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị an ninh phi truyền thống, có 10 ý kiến tham luận đã được trình bày tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh; PGS,TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Phó Viện trưởng Viện Môi trường – Tài nguyên ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Trí Quang Hưng, Trưởng khoa Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; Đại tá GS.TS Đồng Xuân Thọ, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an; Trung tá TS Đinh Anh Tuấn, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an; Thượng tá Thái Thanh Xuân, Chánh Văn phòng CATP Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BSB; ThS Võ Viết Chiến, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Thượng tá PGS.TS Văn Đức Giao, Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an; Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị an ninh phi truyền thống (HSB, VNU); đã phân tích, nhận diện về các mối đe dọa, khủng khoảng, thảm họa an ninh phi truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các khủng khoảng, thảm họa an ninh phi truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Về nhận diện các mối đe dọa, khủng khoảng, thảm họa an ninh phi truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các tham luận tập trung phân tích các quan điểm, đường lối, chính sách phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống của Đảng, Nhà nước, Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh. An ninh phi truyền thống là một yếu tố cấu thành của tư duy mới về An ninh quốc gia ở nước ta hiện nay. Quản trị an ninh phi truyền thống là một bộ phận quan trọng của quản trị quốc gia. Quản trị an ninh phi truyền thống gồm 5 khâu: phòng ngừa, giảm nhẹ, cứu trợ, phục hồi, tái thiết phát triển. Phương châm quản trị an ninh phi truyền thống là: 3 sẵn sàng, 4 tại chỗ.
Về thực trạng an ninh phi truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các tham luận tập trung phân tích, đánh giá sâu 4 vấn đề:
Thứ nhất, phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ tình trạng khẩn cấp do các xung đột xã hội dẫn đến biểu tình, đình công, lãn công, gây rối trật tự công cộng, khủng bố, cháy nổ và các thảm họa thiên tai.
Thứ hai, an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn cho Chính phủ điện tử, thành phố thông minh và nền kinh tế số của Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ ba, an ninh môi trường, đi sâu vào giải quyết ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, triều cường và an toàn thực phẩm.
Thứ tư, an ninh y tế và phòng chống các dịch bệnh.
Về các giải pháp, từ góc độ tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, các tham luận đã đề ra nhiều giải pháp có tính khả thi như:
– Hình thành tư duy mới về an ninh quốc gia. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI (2020 – 2025).
– Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng về an ninh phi truyền thống và quản trị an ninh phi truyền thống cho nhân dân, cán bộ, đảng viên Thành phố.
– Tổ chức các hoạt động phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, khủng khoảng, thảm họa an ninh phi truyền thống trên địa bàn Thành phố theo hướng lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn thường ngày của địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, tổ chức xã hội.
– Xây dựng lực lượng chuyên trách làm nòng cốt phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, khủng khoảng, thảm họa an ninh phi truyền thống trên địa bàn Thành phố.
Các tham luận cũng nêu ra nhiều giải pháp cụ thể theo 4 nhóm quản trị an ninh phi truyền thống đã nêu trên.

và Quản trị an ninh phi truyền thống (HSB, VNU) phát biểu tổng kết tại Hội thảo .
Sau Hội thảo này, Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tổng hợp báo cáo Sở Khoa học Công nghệ, Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất các mô hình phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, khủng khoảng, thảm họa an ninh phi truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.


Anh Tuấn – Lê Dương