An ninh phi truyền thống và hợp tác quốc tế
Cùng với sự xâm nhập sâu rộng của quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển vũ bão của khoa học – kỹ thuật, khái niệm an ninh quốc gia cũng đang không ngừng mở rộng. Theo khái niệm truyền thống, an ninh quốc gia nói chung chỉ đề cập đến an ninh quân sự và an ninh chính trị; nhưng trong thế giới hiện nay, nội dung của an ninh quốc gia còn bao gồm các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, môi trường… Theo nghĩa thông thường, an ninh phi truyền thống của quốc gia là các vấn đề an ninh khác ngoài vấn đề an ninh truyền thống, như an ninh kinh tế, chủ nghĩa khủng bố, ô nhiễm môi trường, bùng nổ dân số, buôn bán ma túy, buôn lậu, tội phạm xuyên quốc gia, HIV/AIDS… Xét góc độ chủ thể hành vi, thể hành vi dẫn đến nguy cơ an ninh phi truyền thống có tính phi chính phủ. Nói về quá trình ảnh hưởng, vấn đề an ninh phi truyền thống có tính phổ biến và tính liên quan. Xét phạm vi tác dụng, an ninh phi truyền thống có tính xuyên quốc gia và tính toàn cầu.
Do những đặc trưng vốn có của an ninh phi truyền thống (tính phi chính phủ, tính phổ biến, tính liên quan, tính xuyên quốc gia và tính toàn cầu), nên biện pháp thực hiện an ninh của các quốc gia đã thay đổi. Trước hết, chiến lược “cùng nhau đối kháng, cùng nhau đề phòng ” đã không thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Những nguy cơ an ninh phi truyền thống như dân số gia tăng, sinh thái bị phá hoại, phổ biến vũ khí, chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng tài chính – tiền tệ…, đòi hỏi các quốc gia đồng tâm hiệp lực, hỗ trợ lẫn nhau mới có thể đối phó hiệu quả. Thứ hai, chú trọng đến ngoại giao liên minh trong các chính sách cân bằng thực lực lợi ích an ninh quốc gia, kịp thời thay đổi đối tượng liên minh và biện pháp an ninh “lấy bạo lực kiềm chế bạo lực”, thường không thực hiện đối với vấn đề an ninh phi truyền thống. Thứ ba, trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, điều các quốc gia coi trọng hơn chính là lợi ích tuyệt đối, điều này giúp tránh được “tình thế lưỡng nan về an ninh”, có lợi cho thực hiện hợp tác.
Nhưng do chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như truyền thống văn hóa, quan niệm an ninh, lợi ích quốc gia, quan hệ quốc tế, nên việc đi sâu hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, tính tùy thuộc trong quan hệ quốc tế là nguyên nhân căn bản ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế. An ninh phi truyền thống xuất hiện như một bộ phận của an ninh quốc gia, và không nhất thiết dẫn đến thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống.
Quyền lực quốc gia
Trong trạng thái vô chính phủ, giữa các nước vẫn duy trì tình trạng cạnh tranh vũ lực. Giống như Morgenthau đã nói: “thực chất chính trị quốc tế là quá trình các nước theo đuổi quyền lực, duy trì quyền lực và thể hiện quyền lực”. Mặc dù hiện nay, nhiều thể hành vi phi quốc gia đang ảnh hưởng sâu sắc tới hành vi của quốc gia, nhưng nòng cốt hành vi quốc gia vẫn là “tồn tại”, mà công cụ hiệu quả nhất để mưu cầu sự tồn tại chính là quyền lực quốc gia. Có thể nói, chỉ cần trạng thái vô chính phủ quốc tế không thay đổi, hàng loạt khái niệm an ninh quốc gia, quyền lực quốc gia vẫn là khái niệm trung tâm trên vũ đài quyền lực, quốc gia vẫn là khái niệm trung tâm trên vũ đài chính trị quốc tế. Như vậy, phân tích từ góc độ quyền lực, hành vi hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống vẫn có thể đạt được.
Hơn nữa, quyền lực là nguồn lực tổng hợp quan trọng nhất của quốc gia được hiểu theo nghĩa rộng nhất – bao gồm sức mạnh kinh tế và quân sự của quốc gia, là tình trạng bảo đảm về an ninh và phồn vinh, về vinh quang và uy tín, về khả năng truyền bá những mục đích, tư tưởng và giá trị tinh thần của quốc lực. Nhưng khả năng kiểm soát hành vi của các quốc gia khác trong quan hệ quốc tế mới là dấu hiệu chính của quyền lực. Như vậy, quyền lực quốc gia có thể hiểu bao gồm thành hai bộ phận: một là, quyền lực vật chất, tức là thực lực quốc gia; hai là, chú trọng đến phương thức vai trò của quyền lực, tức là chiến lược quốc gia.
Phân tích quyền lực quốc gia không chỉ bao gồm phân tích lượng hóa tầng nấc vật chất, mà còn bao gồm phân tích về sử dụng quyền lực quốc gia, nghĩa là quốc gia theo đuổi quyền lực ra sao, vận dụng quyền lực như thế nào. Xét khía cạnh theo đuổi, quyền lực quân sự nói chung có hai loại: theo đuổi quyền lực phòng ngự và theo đuổi quyền lực tấn công. Xét tổng thể, đó là sự phân phối không đồng đều về trọng tâm theo đuổi như thực lực quân sự, thực lực kinh tế, thực lực văn hóa… Ví dụ, trong Chiến tranh lạnh, Liên Xô và Mỹ tăng cường theo đuổi thực lực quân sự; Nhật Bản, Đức sau chiến tranh lại đặt trọng tâm theo đuổi thực lực kinh tế. Những năm gần đây, chiến lược các quốc gia theo đuổi “quyền lực mềm” mà Joseph Nye đưa ra lại nghiêng về theo đuổi văn hóa, chế độ và tri thức.
Quyền lực quốc gia trong hợp tác an ninh phi truyền thống
Phân bổ quyền lực giữa các quốc gia, tức là chỉ cấu trúc quyền lực, bao gồm cấu trúc quyền lực tổng thể và cấu trúc quyền lực khu vực, tức là chỉ trạng thái so sánh thực lực tổng hợp giữa các quốc gia. Theo quan điểm của trường phái chủ nghĩa hiện thực cấu trúc, cấu trúc quyền lực quyết định hành vi quốc gia. Điều này là chính xác ở một ý nghĩa nhất định, vị trí của quốc gia trong cấu trúc quyền lực quốc tế quyết định hành vi quốc gia trong một cấp độ nào đó. Tuy nhiên cần lưu ý, do hệ thống chính trị nội bộ của quốc gia không giống nhau, các quốc gia vẫn có lựa chọn hành vi nhất định trong cấu trúc nhất định, biểu hiện là chiến lược quốc gia không giống nhau. Cho nên, cần phân tích hành vi hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống giữa các quốc gia trên hai phương diện: cấu trúc quyền lực quốc tế và chiến lược quốc gia.
1 – Cấu trúc quyền lực quốc tế và an ninh phi truyền thống
Cấu trúc quyền lực quốc tế là trạng thái phân bổ quyền lực giữa các quốc gia, là tổng hòa mối quan hệ quyền lực giữa các quốc gia. Cấu trúc quyền lực quốc tế là nhân tố ảnh hưởng quan trọng của hành vi quốc gia, thậm chí phát huy vai trò quyết định trong cấp độ nhất định. Cấu trúc quyền lực quốc tế là môi trường bên ngoài của hành vi quốc gia. Hành vi giữa các quốc gia trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống đều cần lấy cấu trúc quyền lực quốc tế làm tham chiếu.
Cấu trúc quyền lực quốc tế nói chung chia thành ba mô hình cơ bản: đơn cực, hai cực và đa cực. Quyền lực của một nước trong hệ thống đơn cực sẽ vượt xa tất cả các quốc gia còn lại, không có quốc gia nào có thể đối kháng với nó, vì vậy, cấu trúc đơn cực cũng có thể gọi là cấu trúc bá quyền. Trong trạng thái này, nước bá quyền thường tạo động lực cho hợp tác quốc tế, và các quốc gia còn lại cũng lấy phương thức “đi nhờ xe” ủng hộ hợp tác quốc tế. Trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, một mặt, nước bá quyền cung cấp điều kiện có lợi cho hợp tác, giúp các nước phát triển khai hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa…; mặt khác, cho dù quy tắc thiết lập có tổn hại đến lợi ích an ninh của các quốc gia còn lại, nhưng những nước này cũng e ngại trước uy lực của nước bá quyền mà tuân thủ nguyên tắc. Trong quá trình này, mặc dù một số hợp tác không phải là chủ ý của một số nước, nhưng giữa các quốc gia vẫn lấy hình thức hợp tác để giải quyết vấn đề.
Nhưng trong trật tự hai cực, tình trạng lại khác. Trước hết, do hai nước lớn không có quan hệ phục tùng và mệnh lệnh, vì thế, hợp tác giữa hai nước rất thưa thớt. Trong trạng thái này, nước lớn quan tâm đến đối kháng quyền lực, đấu tranh chính trị, vấn đề trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống thường đặt ở vị trí thứ yếu, hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống phải chăng được quyết định bởi trạng thái của lĩnh vực quân sự, chính trị. Giữa hai nước lớn với các nước đồng minh của mình thì xuất hiện một tình huống khác: do nội bộ khối chú trọng đến quyền lực tuyệt đối, cho nên chỉ cần những nội dung có lợi cho việc tăng cường an ninh và thực lực quốc gia, nội bộ các nước đồng minh đều sẽ cố gắng theo đuổi, hơn nữa phương thức theo đuổi thông thường là hợp tác. Khi đó, cấu trúc hai cực cũng có thể được coi là hai nước bá quyền có phạm vi thế lực và nước đồng minh của mình, có thể lựa chọn hợp tác hoặc đối kháng trong nội bộ khối.
Hệ thống đa cực là một cấu trúc quyền lực không ổn định. Do tồn tại trên 3 nước lớn trong hệ thống, hơn nữa không có nước lớn nào có thể lớn mạnh đến mức thực lực lớn hơn tổng thực lực của các nước còn lại, cho nên quan hệ giữa các nước lớn là không ổn định, biến số cực lớn. Trong cấu trúc hệ thống này, hợp tác giữa các nước lớn là việc thường gặp, nhưng xung đột cũng là điều thường xuyên xảy ra. Khi có một nước mạnh hơn các nước còn lại, các nước còn lại yếu hơn trong hệ thống sẽ lập tức liên kết để chống đối nước này. Khi đó, sự hợp tác giữa các nước liên minh sẽ tăng lên, đồng thời cũng sẽ xuất hiện hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Tuy nhiên, hợp tác này thường không cố định, bởi khi một nước phát hiện nước đối kháng ngày càng suy thoái, trong khi nước liên minh của nó ngày càng lớn mạnh, nó không chỉ lựa chọn hình thức từ bỏ hợp tác, mà còn có khả năng thực hiện hợp tác với đối thủ của nó. Vì thế, mối quan hệ giữa nước lớn và các nước đồng minh nhỏ yếu của nó cũng rất tế nhị. Do khả năng các nước nhỏ lựa chọn hình thức liên kết với các nước khác tương đối lớn, cho nên mặc cả của nước nhỏ càng lớn trong quá trình đàm phán quốc tế, “chiến lược quan hệ” của nước lớn đối với nước nhỏ thường sẽ mất hiệu lực. Vì vậy, khả năng đạt được sự hợp tác giữa nước lớn với nước đồng minh khá lớn, nhưng hợp tác này sẽ tương đối mờ nhạt và lỏng lẻo. Trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, hợp tác quốc tế cũng được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, nhưng phân bổ lợi ích hợp tác không hợp lý, xác suất các nước nhỏ lựa chọn từ bỏ cũng tương đối lớn.
Có thể thấy, cấu trúc quyền lực quốc tế ảnh hưởng cực lớn tới trạng thái hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Đồng thời, cấu trúc quyền lực quốc tế cũng lý giải sự tồn tại hạn chế: hệ thống đơn cực, hệ thống hai cực phát huy vai trò quyết định đối với trạng thái hợp tác, nhưng trong hệ thống đa cực, cấu trúc quyền lực chỉ là một trong những nhân tố quyết định trạng thái hợp tác. Để tăng cường phân tích tính chính xác hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, việc đưa nhân tố chiến lược quốc gia vào là điều rất cần thiết.
2 – Chiến lược quốc gia và hợp tác an ninh phi truyền thống
Chiến lược quốc gia thông thường chỉ quy hoạch mang tính tổng thể và ý nghĩa lâu dài của việc nước đó theo đuổi quyền lực và sử dụng quyền lực như thế nào. Từ góc độ chiến lược sức mạnh tổng hợp, chỉ quốc gia đó định nghĩa thế nào về cấu thành sức mạnh quốc gia của một nước và quy hoạch theo đuổi quyền lực của từng bộ phận như thế nào. Theo nghĩa thông thường, có chiến lược quân sự, chiến lược chính trị, chiến lược kinh tế cùng với chiến lược văn hóa… Hơn nữa, chiến lược quốc gia được đưa ra trong bối cảnh cấu trúc quyền lực quốc tế nhất định, thay đổi theo sự thay đổi của cấu trúc quyền lực quốc tế.
Chiến lược quân sự là một bộ phận quan trọng nhất trong nhiều chiến lược quốc gia. Trong một số tình huống, chiến lược quân sự sẽ quyết định phương hướng và nội dung của chiến lược quốc gia khác. Trong chiến lược quân sự thường có hai loại: chiến lược quân sự phòng ngự dễ dàng thoát khỏi tình thế “lưỡng nan về an ninh” và chiến lược quân sự tấn công dễ dàng rơi vào tính thế “lưỡng nan về an ninh”. Vì vậy, xung đột giữa các quốc gia thực hiện chiến lược quân sự phòng ngự tương đối nhỏ, xác suất thực hiện hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống tương đối lớn. Ngược lại, xung đột giữa các quốc gia thực hiện chiến lược quân sự tấn công thường diễn ra liên tục, giữa các nước luôn ở vào trạng thái căng thẳng cực độ, đối kháng về quân sự khiến các nước không có thời gian hoặc không thể hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống.
Giống như vậy, chiến lược chính trị của quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Với chiến lược “phân biệt bạn thù bằng ý thức hệ” khiến các nước không giống nhau về chế độ chính trị thường rơi vào trạng thái căng thẳng, việc ứng xử trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống cũng đặc biệt thận trọng. Do đó, bất cứ hành động nào đều có khả năng bị đối phương cho rằng là thực hiện “truyền phát ý thức hệ”. Giữa các quốc gia tương đồng về chế độ càng dễ dàng thực hiện hợp tác.
So sánh với chiến lược chính trị quân sự, chiến lược kinh tế và chiến lược văn hóa có ảnh hưởng trực tiếp tới trạng thái hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa… trực tiếp quyết định chiến lược kinh tế và chiến lược văn hóa của quốc gia trong một ý nghĩa nhất định.
Lấy chủ nghĩa bá quyền kinh tế, chủ nghĩa bá quyền văn hóa, chủ nghĩa dân tộc kinh tế hẹp hòi, chủ nghĩa dân tộc văn hóa hẹp hòi làm bản chất cơ bản, để giải quyết vấn đề, hoặc chỉ đặt lợi ích quốc gia mình lên trên, hoàn toàn không quan tâm đến lợi ích hợp lý của quốc gia còn lại, sẽ dễ làm tổn hại đến lợi ích và đe dọa đến an ninh của nước khác. Với chiến lược như vậy, hợp tác giữa các quốc gia là hiếm thấy trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Một số vấn đề vốn dĩ có thể thông qua hiệp thương hợp tác để giải quyết, nhưng vì “chủ nghĩa cá nhân cực đoan” mà thất bại, thậm chí sẽ dẫn đến căng thẳng giữa các quốc gia. Khi bình luận chiến lược văn hóa của Mỹ, có học giả chỉ ra rằng, “chiến lược văn hóa của Mỹ đậm nét màu sắc ý thức hệ, có tính xâm lược cực lớn”.
Có thể thấy, cho dù trong thời đại toàn cầu hóa gia tăng nhanh chóng như hiện nay, khoa học – kỹ thuật ngày càng phát triển, ăn sâu vào ý thức con người; cho dù trong thời đại mà an ninh phi truyền thống đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của an ninh quốc gia, thậm chí đôi khi lấn át an ninh truyền thống, hành vi quốc gia vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhân tố quyền lực.
Nguồn: http://vusta.vn/